Tổng thống Trump khó bị luận tội dù chịu sức ép lớn

Các chuyên gia luật cho rằng những yêu cầu luận tội Tổng thống Trump hiện nay đều không có căn cứ pháp lý vững chắc. 
Các chuyên gia về luật pháp cho rằng hiện tại không có căn cứ pháp lý cho việc luận tội Tổng thống Trump. Ảnh:New York Times Các chuyên gia về luật pháp cho rằng hiện tại không có căn cứ pháp lý cho việc luận tội Tổng thống Trump. Ảnh:New York Times

Nghị sĩ đảng Dân chủ Al Green hôm qua trở thành chính trị gia Mỹ đầu tiên lên tiếng đòi luận tội Tổng thống Donald Trump với cáo buộc rằng ông Trump đã có hành vi cản trở hệ thống tư pháp khi sa thải Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey.

Trước đó, chiến dịch mang tên "Hãy luận tội Donald Trump" được khởi động ngay từ khi ông Trump nhậm chức đã thu hút hơn 885.000 người tham gia ký tên. 

Một khảo sát do hãng thăm dò dư luận PPP công bố hôm 15/5 cho thấy, 48% người được hỏi đồng ý luận tội ông Trump. Những thực tế này có thể gia tăng đáng kể sức ép đối với ông Trump, nhưng chưa đủ căn cứ pháp lý để ông có thể bị luận tội trước Quốc hội, Telegraph dẫn nhận định của các chuyên gia luật.

Cáo buộc cản trở công lý khi sa thải giám đốc FBI

"Việc tổng thống yêu cầu FBI chấm dứt một cuộc điều tra có thể dẫn tới truy tố hình sự là hành động cản trở quá trình tư pháp", Erwin Chereminsky, giáo sư về luật Hiến pháp tại đại học California, cho biết. "Chính vì hành động này mà Tổng thống Nixon phải từ chức".

Tuy nhiên, giáo sư Chereminsky cho rằng, cáo buộc ông Trump cản trở quá trình tư pháp bằng quyết định sa thải Comey lại không có căn cứ thuyết phục. Chính Comey cũng thừa nhận Trump hoàn toàn có quyền sa thải ông vào bất cứ lúc nào, với bất cứ lý do nào.

trump-kho-bi-luan-toi-du-chiu-suc-ep-lon-1

Cựu giám đốc FBIJames B. Comey tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ảnh:Reuters

Tổng thống Trump đã dùng từ "mong muốn" chứ không thẳng thừng ra lệnh cho ông Comey dừng điều tra về mối liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Nga, Christopher Slobogin, giáo sư luật hình sự giảng dạy tại trường đại học Vanderbilt, nói với Reuters.

Chính điều này khiến việc cáo buộc Tổng thống Trump cố ý can thiệp vào cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và FBI về mối liên hệ giữa cấp dưới của ông với Nga trở nên khó khăn hơn, theo giáo sư Slobogin.

Một số người đòi luận tội Trump cho rằng ông Comey đang giữ những bản ghi chép về các cuộc đối thoại với Trump tại Nhà Trắng, trong đó thể hiện chi tiết ông Trump nói "Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua chuyện này" nhằm thuyết phục cựu giám đốc FBI ngừng điều tra.

Tuy nhiên, Comey đến nay chưa đưa ra bất cứ bản ghi chép nào và nếu có, đó có thể là đầu mối cho một cuộc điều tra do một công tố viên đặc biệt phụ trách, trước khi kết luận cuối cùng được đưa ra.

Xung đột lợi ích chính trị và kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng khả năng lớn nhất Tổng thống Mỹ bị luận tội là vì những xung đột lợi ích giữa chính trị và công việc kinh doanh của gia đình.

Hiến pháp Mỹ quy định các quan chức liên bang, trừ khi có sự chấp thuận của Quốc hội, không được phép nhận "bất cứ quà tặng, thù lao, tước vị… dưới bất cứ hình thức nào từ nước ngoài". Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo các quan chức Mỹ chỉ phục vụ lợi ích của quốc gia và không bị tác động bởi các thế lực nước ngoài.

Cựu tổng thống Barack Obama đã rất cẩn thận hỏi ý kiến Bộ Tư pháp liệu ông có vi phạm hiến pháp khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009.

Nhưng Tổng thống Trump lại có cách nghĩ khác người tiền nhiệm. Ông Trump đã không rạch ròi giữa việc kinh doanh cá nhân với ngoại giao chính thức trong nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại với các quan chức nước ngoài. Ông cũng không chịu chuyển giao quyền sở hữu tập đoàn Trump Organization cho các con, dù đã nhường lại quyền quản lý.

Tuy nhiên, việc đòi luận tội ông Trump dựa vào cáo buộc xung đột lợi ích này là không có cơ sở, bởi các quy định về xung đột lợi ích không áp dụng đối với tổng thống và phó tổng thống Mỹ. "Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi", ông Trump tự tin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.

Theo các quan sát viên, những sự kiện xảy ra trong lịch sử cho thấy khả năng ông Trump sẽ bị luận tội là rất thấp với những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây.

Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội tổng thống, còn Thượng viện có quyền xem xét tất cả những vụ luận tội mà Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua. Tổng thống sẽ bị phế truất sau khi luận tội nếu bị kết án là phản quốc, nhận hối lộ hay các tội trạng khác.

Trong lịch sử Mỹ, có ba tổng thổng từng bị xem xét luận tội là Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. Cả ba đều gặp bất lợi vì vào thời điểm thủ tục luận tội diễn ra, các nghị sĩ đảng đối lập đang nắm quyền chi phối Hạ viện. Trong đó, Tổng thống Nixon đã phải từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu quyết định.

Hiện các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nên rất khó có khả năng các chính trị gia cùng đảng quay ra chống lại ông Trump, nhà nghiên cứu chính trị học Julia Azari nhận định.

Quy trình luận tội tổng thống Mỹ:


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục