Tổng thống Peru nêu Viettel làm ví dụ thành công

Tổng thống Peru tin rằng tự do hóa thương mại mang lại nhiều lợi ích lớn, nhắc đến Việt Nam như một ví dụ điển hình của xu thế hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là trường hợp của Viettel.
Tổng thống Peru, ngài Pedro Pablo Kuczynski - Ảnh: Thuận Thắng.

Tổng thống Peru, ngài Pedro Pablo Kuczynski - Ảnh: Thuận Thắng.

Tổng thống Peru, Pedro Pablo Kuczynski đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện thương mại tự hóa trong thế giới hiện nay trong phiên thảo luận về chủ đề "Những biên giới mới trong thương mại" chiều 9-11 tại Hội nghị CEO Summit 2017 ở Đà Nẵng.

Ít nhất hai lần ông đề cập đến Viettel, một thương hiệu công nghệ thông tin của Việt Nam như một điển hình thành công nhờ tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường. 

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại", tổng thống Kuczynski nhấn mạnh.

Trong câu chuyện của mình, tổng thống Peru chia sẻ ông có niềm tin mạnh mẽ về tự do thương mại, tự do luân chuyển hàng hóa, điều này được chứng tỏ bởi quan hệ thương mại của Peru với các nước.

"Chúng tôi đang nhận khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng dầu. Việt Nam cũng là nhà đầu tư lớn của Peru với doanh nghiệp Viettel trong lĩnh vực thông tin truyền thông, điện thoại", tổng thống Peru nói.

Ở chiều ngược lại, Peru cũng xuất khẩu nông sản đi khắp nơi trên thế giới. Các sản phẩm từ nho xanh hay việt quất của nước này đã xuất khẩu đến Việt Nam và Trung Quốc…

Ông đặt vấn đề thương mại tự do mạnh mẽ như vậy, tại sao gần đây chủ nghĩa bảo hộ lại trỗi dậy?

Lý do chính, theo tổng thống Peru, chính là hiện tượng dân số già đi nhanh chóng tại châu Âu cũng như tại Mỹ trong khi đó hiện thực đào tạo kỹ thuật, tay nghề lao động chưa bắt kịp nhu cầu.

Ở Mỹ hay châu Âu có cùng một vấn đế là dành khoản lớn cho trợ cấp dành cho người già, điều này tạo sự bất mãn cho xã hội.

Trong phần hỏi đáp sau phiên thảo luận, ông Vũ Hải - Tổng giám đốc thăm dò khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đặt câu hỏi về các dự án hợp tác khai thác dầu khí của VIệt Nam ở khu vực Amazon.

Tổng thống Peru cho biết: "Lý do dự án chúng tôi hơi chậm vì chúng tôi muốn có một số thay đổi trong việc khai thác và phát triển dầu khí để có thể có giá thành hợp lý hơn. Lý do thứ hai là chúng đang tiến hành xây dựng đường ống lưu chuyển dầu trong khu vực".

"Vậy chúng ta làm gì với điều này? Tôi nghĩ chúng ra cần hiểu bản chất vấn đề và đấu tranh để tiếp tục giành cơ hội mở cửa thị trường.

Peru đang mở cửa nhiều mặt hàng, chúng tôi áp dụng thuế suất 0% cho hàng nhập khẩu nhưng vẫn giữ những bảo hộ trong nước một cách vừa phải, như trong lĩnh vực nông nghiệp", ông nói. 

Vị tổng thống quốc gia Nam Mỹ này nhắc đến câu chuyện Viettel rằng cách đây chừng 5 năm trước "chưa ai nghe Viettel là gì nhưng bây giờ là nhà đầu tư lớn tại Peru".

Hong Kong đầu tư vào con người là cách đầu tư kinh tế

Bà Carrie Lam chia sẻ rằng Hong Kong hiện tại là một trong những trung tâm hành chính thành công nhất trên thế giới. 

"Và chúng tôi đạt được thành công này nhờ vào thương mại tự do vì Hong Kong không phải là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi là thành viên quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ thương mại đa phương", bà nói. 

Theo bà Lam, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, Hong Kong sẽ đóng vai trò quan trọng mạnh mẽ hơn nữa về thực thi thương mại tự do. 

Tổng thống Peru nêu Viettel làm ví dụ thành công ảnh 1

 Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam - Ảnh: Thuận Thắng.

"Mọi người lo lắng trong tương lai, nhiều công việc sẽ mất đi do sự phát triển của công nghệ, tự động hóa nhưng chúng tôi sẽ vượt qua những thách thức này", bà Lam cho biết.

Cụ thể, theo bà Lam, Hong Kong dành 60% ngân sách cho giáo dục, các chương trình xã hội và y tế, dịch vụ, cũng như "đầu tư vào con người xem như là đầu tư vào tương lai nền kinh tế".

"Một biện pháp mà chúng tôi vừa mới thực hiện để giúp cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ thương mại chính là vừa giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống 8,5%", bà Lam cho biết.


Theo Tuổi Trẻ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục