Tổng rà soát doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, thoái vốn

(ĐTCK) Một loạt kiến nghị, nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ các rào cản cổ phần hóa, thoái vốn đã được đưa ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Tổng rà soát doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, thoái vốn

Đừng biến tài sản tốt thành chưa tốt

Đánh giá về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có nhiều kết quả tích cực khi giá trị thực hiện giai đoạn 2016-2018 gấp 2,5 lần giai đoạn 2011-2015; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp ngân sách nhà nước 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016...

Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. Đã có 106 doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế từ những bất cập trong cơ chế, chính sách định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị doanh nghiệp (DN)đến lựa chọn nhà đầu tư; từ hiệu quả sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0; từ tình trạng thất thoát, tham nhũng đến công tác cán bộ…

Quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước . Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tập trung khắc phục.    

“Nhiều vấn đề đặt ra trong cổ phần hoá là xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của DN… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chậm và vẫn còn xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực này?”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Thẳng thắn nhìn nhận, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN đang được thực hiện tốt, trong thời gian tới cần tập trung theo hướng thiên về chất lượng thay vì số lượng.

 “Nên cổ phần hóa theo cơ cấu danh mục và theo hướng chuyển đổi tài sản chưa tốt thành tốt và tốt thành tốt hơn, đừng làm ngược lại: Biến tài sản tốt thành tài sản không tốt. Đấy là nền tảng và sức mạnh của các DNNN nói riêng và khu vực DN nói chung”, ông Cung kiến nghị.

Thực tế khó khăn

Về quy trình bán vốn, tỷ lệ bán vốn nhà nước trong DN còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ bán vốn thấp không thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhưng cũng có ý kiến nên bán các DN đang làm ăn hiệu quả và ngược lại, có ý kiến rằng, cần phải giữ lại để có nguồn thu, tập trung sắp xếp thoái vốn ở những doanh nghiệp đang thua lỗ…

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN cho biết, cuối năm 2018, PVN đã cổ phần hóa được 3 DN lớn là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Power, PVOil, mỗi đơn vị thu về gần 15.000 tỷ đồng, phần vượt trội lên so với giá gốc là hơn 7.000 tỷ đồng. Thời  gian tới, PVN sẽ tiếp tục thoái vốn theo tiến độ.

Tuy nhiên, Chủ tịch PVN cho rằng, hiện nay, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về xác định giá trị DN, đặc biệt là những DN phân tán nhiều nơi, nhiều chỗ, có phức tạp về đất đai. Nhiều DN mất thời gian dài để xác định giá trị các trụ sở.

Chia sẻ câu chuyện thực tế từ nội tại DN, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, khi tiến hành tái cơ cấu, lãnh đạo tập đoàn có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải làm toàn diện và triệt để. Lãnh đạo VNPT đã hứa nếu không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu thì Chủ tịch, Tổng giám đốc xin từ chức.

Trong giai đoạn tới 2017-2025, VNPT chuyển đổi chiến lược trong cách mạng 4.0, ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này còn rất nhiều thách thức, cần tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Hiện VNPT đã sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, nhưng môi trường pháp lý hiện nay có nhiều nghị định, thông tư đang chờ sửa đổi, mà hoạt động DN thì liên tục, hàng ngày, nên lãnh đạo VNPT kiến nghị Chính phủ sớm chỉnh sửa để môi trường pháp lý đỡ rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Cũng liên quan đến vấn đề thể chế, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhìn nhận, sự thay đổi cơ chế chính sách ảnh hưởng lớn tới DN. Hiện nay, ít nhất 5 Luật đang chờ đến năm 2019 sửa đổi, nhiều nghị định, thông tư cũng chờ sửa đổi.

Ông đề nghị, khi xây dựng nghị định, cố gắng để DN là các đối tượng thực thi nghị định có ý kiến để đi vào thực chất, tránh sửa đổi nhiều.

Ngoài ra, theo ông Thanh, khâu kiểm soát nội bộ tại nhiều DN không hiệu quả, thậm chí rơi vào tê liệt, cần phải khôi phục lại, phát hiện sai phạm và khống chế sớm, tránh để đến khi Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ vào cuộc, khi đó đã để lại hậu quả nặng nề.

Về quản lý vốn tại DN, đặc biệt là DN sau cổ phần hóa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xác định mức độ và phạm vi Nhà nước nắm giữ cổ phần trong từng lĩnh vực, DN cụ thể; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đại diện phần vốn nhà nước tại DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa, người đứng đầu DN có vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí quyết định. Vì vậy cần lựa chọn người đứng đầu đủ tài năng, uy tín, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Thủ tướng: Không để tình trạng “sân trước, sân sau”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, doanh nghiệp nhà nước hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới đều có doanh nghiệp nhà nước để điều tiết, quản lý nền kinh tế.

Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật ở 2 điểm là góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước và giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước (từ trên 12.000 DN xuống còn dưới 600 DN). Thủ tướng nêu rõ “thà ít mà tốt”.

Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà theo Thủ tướng, “đây không phải là cơ quan trung gian, gây khó khăn, ách tắc cho sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý làm sao để DN phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của nền kinh tế, chứ không phải càng ngày càng teo tóp, đi xuống”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tập trung khắc phục.

“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện; trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay; đồng thời, phải thực thi nghiêm pháp luật, không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.

Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.

Nhấn mạnh công tác nhân sự, bố trí cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn Nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”, đồng thời kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau".

Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; đặc biệt là trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ.

Định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục