Tổng nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 171.083 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng tăng thêm trong năm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Cụ thể kết quả một số chương trình, chính sách tín dụng, tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đối với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư: các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 12 dự án với số tiền cam kết là khoảng 5.000 tỷ đồng, đã giải ngân cho 06 dự án với số tiền là 428 tỷ đồng.

Trong đó, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 02 dự án nhà ở xã hội với số tiền đã giải ngân 40,6 tỷ đồng; Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 03 dự án với số tiền đã giải ngân 241 tỷ đồng; VietinBank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền đã giải ngân là 147 tỷ đồng.

Đối với chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, bà Giang chia sẻ, sau gần 5 tháng triển khai, đến cuối tháng 11/2023, các NHTM đã thực hiện cho vay theo Chương trình với doanh số giải ngân đạt gần 11.000 tỷ đồng cho gần 4.200 lượt khách hàng vay vốn, chiếm trên 73% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình.

Theo bà Giang, tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022. Trong đó, mục đích kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36%; mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64%.

Liên quan đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), bà Giang thông tin, tổng giá trị nợ gốc và lãi được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ sở nào để NHNN giao tăng trưởng tín dụng 2024 cho các ngân hàng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phân tích:

Thứ nhất, các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam có tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức rất cao. Hiện nay theo thang chấm điểm của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Theo đánh giá của Fitch, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong các nước có nước xếp hạng BAA, BAA… điều đó thể hiện các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn, an ninh tài chính của nước ta.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN trả lời câu hỏi tại họp báo

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN trả lời câu hỏi tại họp báo

Thứ hai, mặc dù thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh, nhưng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay là gần 5%, lý do đó là người dân, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, do tác động của đại dịch và nhiều yếu tố khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới an toàn hệ thống.

“Đó là một trong những cơ sở để NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM từ đầu năm. Khác với các năm, phương pháp năm nay tín dụng được giao hết 1 lần ngay từ đầu năm, có thể thấy, khó khăn đối với nền kinh tế vẫn rất rõ ràng”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, các NHTW trên thế giới vẫn duy trì lãi suất cao, chưa hạ lãi suất vì vậy khả năng suy thoái nhẹ có thể xảy ra, sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở lớn, điều này nhìn vào xuất khẩu nhập khẩu ảnh hưởng trong thời gian qua là thấy, do đó, ảnh hưởng lớn đến thu nhập việc làm của người dân và nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Trước tình hình tổng cầu có nguy cơ giảm trong năm 2024, NHNN chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm NHNN cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của nền kinh tế.

“Tất nhiên, nguồn vốn của nền kinh tế không thể tới từ mỗi ngân hàng, 'xung lực' rất lớn đó là nguồn vốn đầu tư công, song song đó là vốn tư nhân, FDI, kiều hối và thị trường trái phiếu. Hy vọng năm 2024 thị trường trái phiếu sẽ phục hồi để giữ vai trò kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho nguồn vốn ngân hàng”, ông Quang nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục