Tổng giám đốc FPT: Covid-19 làm cho FPT mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của CTCP FPT diễn ra chiều 7/4, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT đã tự tin khẳng định như vậy.
HĐQT FPT nhiệm kỳ mới ra mắt cổ đông HĐQT FPT nhiệm kỳ mới ra mắt cổ đông

Ông Khoa nói: “Với hơn 37.000 cán bộ công nhân viên nói chung và 2 vạn cán bộ công nhân viên ở TP.HCM, chúng tôi không để một ai mất trong năm vừa qua. Có lẽ anh chị nào sống ở TP.HCM sẽ cảm nhận được sự khốc liệt trong năm 2021. Chúng tôi tin rằng, đây là giá trị cốt lõi để FPT tăng trưởng. Không có một khó khăn nào có thể giới hạn chúng tôi, cản trở con đường chúng tôi đi. Bằng chứng là những kết quả chúng tôi đã đạt được trong năm 2021.

Covid-19 làm cho FPT mạnh hơn. Năm ngoái cũng ở khán phòng này, chúng tôi đã nói về chuyển 10 - tinh thần thời chiến, FPT sẽ mạnh hơn, vững vàng sau Covid-19. Điều quan trọng hơn nữa, chúng tôi sẵn sàng khai phá tất cả cơ hội để tăng trưởng và đặc biệt là cơ hội để chuyển đổi số.

Trong năm 2021, với bối cảnh phức tạp như vậy, chúng tôi làm được rất nhiều những điều vô cùng lớn về chuyển đổi số ở trong nước với doanh nghiệp, với chính phủ và đặc biệt là câu chuyện chuyển đổi số đã diễn ra trên toàn cầu một cách sôi động.

Chúng tôi sẽ mở ra những tăng trưởng bứt phá, và bứt phá dài hạn chứ không chỉ 1-2 năm. Những gì chúng tôi đang làm hôm nay, 1-2 năm sau sẽ rất khác biệt, sẽ mang đến cho cổ đông những giá trị mới”.

ĐHĐCĐ FPT đã thông qua kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu doanh thu tăng 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1).

Tại thị trường nước ngoài, FPT sẽ tập trung xây dựng năng lực tư vấn, phát triển các giải pháp công nghệ mới để hoàn thiện gói giải pháp số cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục theo đuổi chiến lược “Săn cá voi”, tập trung khai thác các khách hàng có quy mô doanh số lớn (large deal), nhất là khi năm 2021, số lượng dự án trên 5 triệu USD tăng gấp đôi và đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực.

Để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, Tập đoàn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các trung tâm khu vực khác như Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Columbia, Nhật Bản…; mở rộng đầu tư tại các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu tăng cao trên quy mô toàn cầu. Từ đó, đưa FPT trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của các khách hàng triệu đô trên toàn cầu.

Với khách hàng cá nhân, FPT đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm mới và trải nghiệm dịch vụ tốt nhất trong mọi điểm chạm. Các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng do FPT sản xuất/phân phối sẽ được cung cấp rộng rãi khắp 63 tỉnh thành thông qua các hệ thống cửa hàng, kênh phân phối và đại lý phân phối mới. Đồng thời, dịch vụ khách hàng và trải nghiệm dịch vụ được cải tiến và nâng cao liên tục với sự hỗ trợ của công nghệ qua các hệ thống Chatbot, Voicebot, AI…

FPT sẽ triển khai mở rộng cả theo chiều dọc (bổ sung các chương trình dạy học mới cho các phân khúc học sinh khác nhau) và chiều ngang (mở rộng và xây mới các cơ sở mới tại các tỉnh thành khác nhau), quyết tâm trở thành hệ thống giáo dục mega quy mô lớn tại Việt Nam.

Năm 2022, HĐQT FPT bầu ba thành viên mới: Ông Hampapur Rangadore Binod, ông Hiroshi Yokotsuka; bà Trần Thị Hồng Lĩnh; đồng thời cũng sẽ chia tay ba thành viên bao gồm: ông Lê Song Lai (bầu năm 2012), ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo (đồng bầu năm 2014).

Các nhân sự bổ sung đều sở hữu bề dày kinh nghiệm trong việc quản trị các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời sở hữu nền tảng chuyên môn sâu rộng trong các lĩnh vực mà FPT hướng đến trong thời kỳ tăng trưởng mới.

Trong phần hỏi đáp, cổ đông đã trao đổi nhiều câu hỏi, Đầu tư Chứng khoán lược ghi một số câu đáng chú ý:

Đại diện một quỹ đầu tư: Năm 2021, khi chúng tôi nhìn thấy hệ thống HOSE do FPT xử lý được vận hành mượt mà và vượt trội. Giấc mơ công nghệ Việt Nam có khả năng thành hiện thực. 5 năm trước FPT nói về giấc mơ cá chép hóa rồng thông qua tư vấn chuyển đổi số. Hiện tại, Cloud và chuyển đổi số đã khắp nơi. Chúng ta có quyền hy vọng vào blockchain và Metaverse. Từ những dự án FPT trong 5-10 năm tới, FPT định hướng gì?

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: Ước mơ của FPT lớn theo thời gian. Nếu 2 năm trước, chúng ta ước mơ những gì Ấn Độ, Trung Quốc có thể làm được cho thế giới thì Việt Nam cũng làm được. Thì đến hiện tại, Ấn Độ và Việt Nam công bằng khi cạnh tranh trước các dự án quốc tế.

Đối với Metaverse, quan điểm metaverse của FPT là “thực - ảo là một”. Thực - ảo là sẽ bền vững hơn nhiều các giải pháp chỉ thuần digital. Ví dụ như Meduverse - Education và Metaverse là một công nghệ học mới, làm sao cho trẻ con thích học, học sáng tạo, học hăng say. Thế giới đó phải có Metaverse. Hy vọng thời gian tới các bạn sẽ nhìn thấy Metaverse sẽ nhìn thấy đời sống thực tiễn.

Thật ra, FPT đã làm blockchain từ sớm cho một đối tác quốc tế. Trước đây chúng tôi làm cho khách hàng thì giờ đây sẽ làm cho đại chúng.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT: Kết quả kinh doanh chúng tôi ước tính trong quý I/2022, doanh thu 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 26%, lợi nhuận 1.500 - 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng 26-28%.

FPT có kế hoạch thoái vốn FPT Retail không?

Ông Nguyễn Thế Phương: Từ 2017 đã giảm tỷ lệ sở hữu từ đa số thành thiểu số tại FPT Retail và FPT Synnex. Chúng tôi chưa có ý định thoái vốn tiếp theo.

Thị trường Nhật Bản tăng trưởng chậm, kế hoạch tiếp theo dự kiến như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Phương : Có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Mô hình bán hàng truyền thống là kết nối, đưa khách hàng sang tham quan các cơ sở campus tại Việt Nam, để họ tận mắt thấy được nguồn lực của FPT. Trong Covid-19, mô hình này gặp khó về hạn chế đi lại.

Thứ hai, giá trị đồng Yên giảm giá khá mạnh.

Năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số tại thị trường Nhật Bản. Trong quý II hy vọng sẽ gặp gỡ khách hàng được nhiều hơn. Trong quý I, chúng tôi ước tính tăng trưởng 20%.

Cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các công ty công nghệ cả trong và ngoài nước rất nhiều. FPT có kế hoạch nào?

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT: Câu chuyện này xảy ra toàn cầu. Hiện tại, có rất nhiều kỹ sư dịch vụ làm việc toàn cầu qua online. Chúng tôi xây dựng một môi trường làm việc tiên phong. Thế hệ GenZ rất đặc biệt, rất khác biệt và đòi hỏi môi trường làm việc giúp thể hiện năng lực của bản thân, của đội nhóm. Bên cạnh đó, còn áp dụng mô hình khoán: làm càng nhiều, hưởng càng nhiều. Và cuối cùng là chương trình phúc lợi, FPT là tập đoàn tiên phong trong nhiều chương trình phúc lợi cho nhân viên.

Có kế hoạch mở room cho nhà đầu tư nước ngoài không?

Ông Nguyễn Thế Phương: FPT hiện tại vướng một số ngành nghề không thể nới room hơn 49%. Đây là một số ngành nghề không thể tăng room thêm được.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục