Tổng giám đốc Eximbank: “Ngân hàng cam kết trả tiền cho bà Bình khi có kết luận của Toà án“

(ĐTCK) Chia sẻ về quan điểm ngân hàng về vụ việc phó giám đốc chi nhánh TP.HCM biển thủ số tiền gửi của khách hàng 245 tỷ đồng, ông Lê Văn Quyết, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng là ngành kinh doanh dựa trên uy tín, do đó quan điểm chung của Eximbank là trong mọi trường hợp, quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn luôn được bảo vệ. Eximbank tuân thủ nghiêm túc các phán quyết của Tòa.
Tổng giám đốc Eximbank: “Ngân hàng cam kết trả tiền cho bà Bình khi có kết luận của Toà án“

Ông có thể thông tin chi tiết về vụ việc nguyên phó giám đốc chi nhánh TP.HCM biển thủ số tiền gửi của khách hàng 245 tỷ đồng?

Từ cuối tháng 02/2017, bà Chu Thị Bình – khách hàng có gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình có ý kiến khiếu nại Eximbank do số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm.

Toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng – Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.

Khi phát hiện ra vụ việc trên, Eximbank đã xử lý ra sao, thưa ông?

Khi phát hiện ra sự việc trên, ngày 06/3/2017, Eximbank đã chủ động gửi Đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng - Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh TP. HCM đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Eximbank cũng đã có các văn bản 2477/2017/EIB/CV-GĐ và văn bản số 2671/2017/EIB/CV-GĐ ngày 29/5/2017 gửi Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44) để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng có liên quan.

Song song với vụ việc này, Eximbank đã có sự chỉ đạo, rà soát kiểm tra các giao dịch liên quan đến khách hàng VIP, đặc là khách hàng rút tiền gửi một phần.

Vậy phía cơ quan điều tra đã có phản hồi thế nào?

Ngày 12/6/2017, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44) cũng đã có Thông báo gửi Eximbank với nội dung: chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Ngày 30/8/2017, Eximbank tiếp tục có văn bản số 5553/2017/EIB-TGĐ gửi C44 đề nghị sớm khởi tố vụ án, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và ngày 16/11/2017, Eximbank tiếp tục gửi văn bản số 7220/2017/EOB-TGĐ đề nghị C44 đẩy nhanh tiến độ điều tra để Eximbank sớm có cơ sở giải quyết yêu cầu của bà Chu Thị Bình.

Tổng giám đốc Eximbank: “Ngân hàng cam kết trả tiền cho bà Bình khi có kết luận của Toà án“ ảnh 1

 Ông Lê Văn Quyết - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Eximbank 

Ngày 02/02/2018, Eximbank nhận được Thông báo số 13/C44B-P5 của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an về việc thông báo kết quả điều tra. Sau khi nhận được Thông báo số 13/C44B-P5, Eximbank đã có văn bản số 1174/2018/EIB-TGĐ gửi Cơ quan CSĐT – Bộ Công an. Eximbank cũng đã có 03 công văn báo cáo vụ việc lên Ngân hàng Nhà nước vào Tháng 3/2017; 12/02/2018 và 22/02/2018. Trong ngày 23/02/2018, Eximbank đã có văn bản trả lời về xử lý khiếu nại gửi bà Chu Thị Bình.

Quan điểm của Eximbank về vụ việc này thế nào, thưa ông?

Quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Eximbank khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của toà án có thẩm quyền  nhằm đảm bảo quy trinh xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật. Eximbank mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền, và cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được Tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Eximbank là ngân hàng niêm yết, nên các quy trình xử lý phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, ngân hàng mới có câu trả lời thỏa đáng với cổ đông.

Liên quan tới một số thông tin không chuẩn xác về hoạt động kinh doanh của Eximbank, ông Quyết cũng cho biết, Eximbank đã hoàn thành giai đoạn tái cấu trúc và kết quả kinh doanh đang có những bước khởi sắc mới.

“Chúng tôi đã triển khai dự án tái cấu trúc với tên gọi “Eximbank Mới”. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao kết quả hoạt động và đưa đưa Eximbank trở lại vị trí một trong những NHTM chất lượng hàng đầu Việt Nam. Dự án bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng như: các mảng kinh doanh chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự”, ông Quyết nói.

Dự án “Eximbank Mới” đã triển khai được 1 năm, Ngân hàng huy động nhiều nhân sự chủ chốt và thành lập Ban quản lý dự án, quản lý các tiểu dự án liên quan đến mọi lĩnh vực trong hoạt động của Eximbank.

Trong quản trị nội bộ, Eximbank đã cải cách hệ thống quản trị nguồn nhân lực mà trước đó Eximbank chưa có một chính sách minh bạch và công bằng để giữ chân nhân viên cũng như khuyến khích nhân viên phát huy tối đa năng lực. Ngoài ra, ngân hàng đang thuê công ty tư vấn nhằm cải cách hệ thống tiền lương của Eximbank.

Về kết quả kinh doanh cụ thể, lợi nhuận của Eximbank năm 2017 lại tăng vọt so với năm 2016 nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh. Chi phí dự phòng của ngân hàng năm 2017 chỉ 604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.089 tỷ đồng năm 2016. Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy vì hoạt động xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, giúp ngân hàng có nguồn hoàn nhập dự phòng đáng kể.

Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 5 năm kể từ năm 2012 mới trở lại trên 1.000 tỷ đồng, đạt 1.017 tỷ đồng trong năm 2017, gấp 2,6 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế là 823 tỷ đồng, giúp Eximbank thoát khỏi lỗ lũy kế sau 2 năm kể từ 2015.

Sau sự việc hy hữu xảy ra tại Eximbank NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm chỉnh chấp hành văn bản, chỉ thị về phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng qua đó đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng và các giao dịch tiền gửi, tiết kiệm, đặc biệt là quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

NHNN yêu cầu các TCTD sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ để đảm bảo ban hành đầy đủ quy định theo đúng pháp luật trong hoạt động giao dịch tiền gửi, tiết kiệm.

Thứ ba, NHNN yêu cầu tất cả các TCTD quán triệt mọi đơn vị, cán bộ nghiệp vụ thực hiện nghiêm quy định về giao dịch tiền gửi, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của TCTD để tránh xảy ra sự cố.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD đẩy mạnh công nghệ để tăng cường bảo mật, đồng thời xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiết kiệm của khách hàng.

Các TCTD phải phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, thông báo trong hệ thống để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Thường xuyên phổ biến tới khách hàng, giúp khách hàng nắm vững các quy định, quy trình, bảo mật trong giao dịch tiền gửi.

Vấn đề được NHNN đặc biệt nhấn mạnh là kiểm tra, nhất là kiểm tra chéo, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra qua đó, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật.

Trong quá trình hoạt động nếu xảy ra các vụ việc sai phạm, vi phạm pháp luật cần báo cáo NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng và có biện pháp xử lý kịp thời đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục