Thực trạng ngành Dược Việt Nam hiện nay đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute, ngành Dược Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành Dược mới nổi. Hiện dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn "già hóa" khi dự kiến tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên vào năm 2050 sẽ đạt 21%. Điều đó có nghĩa là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ tăng lên do đó ngành Dược cũng có cơ hội phát triển nhanh hơn.
Theo thống kê mới nhất cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã đạt khoảng 125 USD vào năm 2022, dự kiến sẽ đạt 140 USD vào năm 2023 và có thể đạt 250 USD vào năm 2028. SSI Research kỳ vọng doanh thu ngành Dược sẽ tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. SSI cũng cho rằng có một cuộc đua về nâng cấp chất lượng dây chuyển sản xuất đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn.
Bên lề buổi Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần qua, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc điều hành CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) chia sẻ, tình hình kinh tế của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 rất khó khăn và có tác động lớn đến doanh nghiệp, công ty cũng phải rất cố gắng xoay xở để giữ được công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, đối với dược Hậu Giang thì quý 1 của năm 2023 vẫn tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu của ngành dược Việt Nam.
Cụ thể trong quý I, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu hàng sản xuất đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và chiếm 89% doanh thu. Lợi nhuận trước thuế của Dược Hậu Giang tăng 37%, đạt 391 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 41%, đạt 361 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục ghi nhận trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động.
Năm 2023, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 3% so với kết quả năm 2022. Với kết quả quý I, công ty đã hoàn thành được hơn 24% kế hoạch doanh thu và gần 35% kế hoạch lãi trước thuế.
Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Dược Hậu Giang gặp may mắn vì hoạt động trong ngành hàng thiết yếu, ngành y tế, trong bối cảnh việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng giúp DHG đạt được những thành công trong quý I là do công ty đã có những kế hoạch tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ nguyên liệu và chiến lược kinh doanh trong trung hạn và dài hạn một cách đầy đủ, rõ ràng trong nhiều năm qua. Vì vậy mỗi năm DHG đều dựa trên những nền tảng đó để phát triển.
Ngoài ra, theo ông Khương, còn một yếu tố góp phần quan trọng góp phần vào thành công của Dược Hậu Giang trong quý I đó là DHG có một hệ thống phân phối trải dài khắp cả nước, một lực lượng bán hàng hùng hậu để có thể sẵn sàng cung ứng, phục vụ tất cả các sản phẩm đến người tiêu dùng Việt Nam. Đó là một động lực rất lớn để giúp Dược Hậu Giang tăng trưởng trong quý I.
Bên cạnh đó, ông Khương cho biết, Dược Hậu Giang cũng gặp những khó khăn giống với các doanh nghiệp khác về việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về nhân sự và về tổ chức sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về thương vụ M&A đình đám của DHG khi được tập đoàn nằm trong Top 10 tập đoàn dược phẩm hàng đầu Nhật Bản là Taisho tiếp quản, ông Đoàn Đình Duy Khương cho biết, thương vụ M&A của DHG và Taisho được đánh giá là một trong những thương vụ khá thành công trên thị trường chứng khoán. Thương vụ này đã góp phần nâng cao giá trị của dược Hậu Giang không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu dựa trên ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, Taiso đã giúp cho nhiều Hậu Giang hoàn chỉnh, hoàn thiện tất cả những hệ thống nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản (Japan-GMP) và tiêu chuẩn của châu Âu (EU-GMP), DHG đang hoàn thiện tất cả các dây chuyền sản xuất để gia nhập vào hệ thống kinh doanh của không chỉ Việt Nam mà còn của toàn cầu.
Thứ hai là Taisho đã giúp cho Dược Hậu Giang chuyển giao các công nghệ, các sản phẩm từ nền tảng nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Taisho. DHG đưa những thuốc đã được nghiên cứu có bản quyền về Việt Nam sản xuất. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của DHG để góp phần giúp thuốc Việt Nam có chất lượng quốc tế nhưng lại có giá điều trị phù hợp với túi tiền của người Việt Nam. Đây cũng là một trong những chủ trương Bộ Y tế đang khuyến khích các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào để giúp phát triển ngành dược của Việt Nam.
"Yếu tố cuối cùng là việc thuốc "made in Vietnam" của DHG pharma đạt các tiêu chuẩn cao sẽ được xuất khẩu đến các quốc gia có sự hiện diện của Tập đoàn Taisho. Đó là một niềm tự hào không chỉ của Dược Hậu Giang mà còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam", ông Khương chia sẻ.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc điều hành Dược Hậu Giang nhận hoa và kỷ niệm chương của Ban tổ chức Hội thảo. |
Hiện nay, Chính phủ cũng đang thể hiện sự quan tâm trong việc phát triển ngành dược Việt Nam khi ban hành chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD”. Hỗ trợ hiệu quả việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuốc, dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/5/2023 có sự tham dự trực tiếp của gần 300 đại biểu và được phát trực tiếp trên các kênh website, fanpage, youtube của baodautu.vn, vir.com.vn, và tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư.