Tổng giám đốc CII: “Quý II, hòa vốn là may”

(ĐTCK) Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) chia sẻ, quý II/2013, Công ty có thể hòa vốn hoặc lỗ nhẹ, nhưng kết quả kinh doanh thấp lần này mang tính kỹ thuật.
Ông Lê Quốc Bình Ông Lê Quốc Bình

> Tổng giám đốc CII: Công ty sẽ vượt kế hoạch 2012

> CII: Tổng giám đốc và công ty con đồng thời muốn rút hết vốn

> CII giảm chỉ tiêu kinh doanh 2013

> CII: Kỷ luật và xử phạt Tổng giám đốc

> Tổng giám đốc CII phủ nhận nghi vấn tạo lợi nhuận ảo

Được biết, CII đã có thông báo về việc thay đổi cách hạch toán doanh thu, lợi nhuận, dẫn tới lợi nhuận trong ngắn hạn có sự điều chỉnh giảm so với trước đây. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về những thay đổi này?

Ngày 17/5/2013, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về việc thay đổi cách ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đối với các dự án đầu tư dưới hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) trong thời gian thi công, chưa đi vào khai thác và khi dự án hoàn thành khai thác.

Theo hướng dẫn này, đối với một số dự án đang trong giai đoạn thi công thì doanh thu ghi nhận trong sổ sách của CII sẽ có sự điều chỉnh giảm so với cách ghi nhận trước đây, dẫn đến lợi nhuận của Công ty tạm thời giảm xuống trong giai đoạn này. Một số dự án sẽ bị thay đổi cách ghi nhận lợi nhuận là cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, dự án Phan Rang - Tháp Chàm…

Ví dụ: cầu Sài Gòn là dự án BT được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm sau đó cho mức thuế suất CII phải chịu là 10%. Nếu bây giờ CII ghi nhận ngay lợi nhuận (từ trước khi có nguồn thu) thì phải chịu nguyên thuế. Tuy nhiên, nếu chờ đến khi có nguồn thu mới hạch toán doanh thu, lợi nhuận, thì dự án BT kéo dài 5 năm, CII sẽ chỉ phải nộp thuế 1 năm với thuế suất 5%/năm. Do thay đổi cách hạch toán nên lợi nhuận của dự án này sẽ ghi nhận chậm 1,5 năm so với cách hạch toán cũ, nhưng xét về tổng thể, dự án vẫn mang lại hiệu quả cao. Sự khác biệt ở đây là thời điểm mà CII sẽ ghi nhận lợi nhuận.

Với Dự án cầu Rạch Chiếc, trước kia CII được phép hạch toán (theo bảng dự toán) mức lợi nhuận 14%/năm của vốn chủ sở hữu đã đầu tư, dù chưa có nguồn thu. Hiện nay, theo quy định mới, khi dự án này đưa vào thu phí, việc ghi nhận lợi nhuận sẽ theo doanh thu thực phát sinh. Mà theo thời gian, doanh thu sẽ tăng lên do 2 yếu tố là tăng lưu lượng xe và điều chỉnh tăng giá cước; còn chi phí lãi vay thì giảm dần, vì DN giảm dần nợ. Điều này cũng có nghĩa là trong các năm đầu, lợi nhuận của dự án sẽ rất thấp, nhưng tăng dần theo các năm.

Xét về tổng thể, hạch toán lợi nhuận theo cách nào thì dòng tiền thực của DN vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, theo cách hạch toán mới thì DN được lợi về thuế hơn, nhưng trong ngắn hạn, việc thay đổi này sẽ khiến lợi nhuận của CII sụt giảm ngay lập tức.

 

Vậy tại sao Công ty không lựa chọn hướng bán dự án để ghi nhận lợi nhuận?

Bán dự án sau khi triển khai xong sẽ giúp CII ghi nhận ngay một khoản lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, nếu cứ đi xây dựng dự án rồi lại bán dự án sau khi hoàn thành thì sức ép tìm dự án mới để triển khai sẽ lớn. Chưa kể, khi bán dự án thì người mua sẽ chiết khấu dòng tiền lớn hơn mức chi phí vốn bỏ ra, khi đó họ mới có lợi, nhưng khiến CII bị giảm lợi nhuận. Do vậy, HĐQT CII đã quyết định theo đuổi đến cuối dự án, nên dự án mấy năm đầu lợi nhuận thấp, nhưng bù lại sẽ mang lại hiệu quả cuối cùng cao hơn cho cổ đông.

Tất nhiên, lựa chọn hướng này sẽ dẫn tới một bài toán khác, đó là áp lực về dòng tiền tăng lên. Nhiệm vụ của Ban lãnh đạo DN lúc này là phải cân đối về dòng tiền để đảm bảo triển khai tất cả các dự án.

 

Với thay đổi như vậy, ông có thể cho biết lợi nhuận quý II/2013 của CII?

Quý II là thời điểm điều chuyển từ cách hạch toán cũ sang cách hạch toán mới. Với việc một số dự án phải điều chỉnh lại cách ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, tôi cho rằng, hòa vốn là may. Dù vậy, tôi khẳng định, thực trạng kinh doanh của CII không đổi và Công ty đang được hưởng lợi với những thay đổi này. Lợi nhuận của cổ đông sẽ vẫn là của cổ đông, chỉ là thời gian để bắt đầu ghi nhận lợi nhuận lớn (trên báo cáo kế toán) sẽ kéo dài hơn so với trước đây.

 

Thời gian vừa qua, CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII), công ty con của CII thực hiện đàm phán với đối tác nước ngoài để huy động vốn. Ông có thể chia sẻ thông tin về kế hoạch này?

Do việc đàm phán với đối tác nước ngoài chưa hoàn tất, nên theo quy định về bảo mật thông tin với đối tác, chúng tôi chưa công bố chi tiết thông tin. Tuy nhiên, quan điểm của Ban lãnh đạo SII trong việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài là không chỉ đạt mục tiêu huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn trong 3 năm tới, mà phải cả yếu tố chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho SII. Hiện nay, công nghệ về phân phối và giảm thất thoát nước của Việt Nam rất kém, phải thuê nước ngoài làm, chi phí tốn kém, nên chúng tôi muốn đối tác chiến lược phải chuyển giao công nghệ, kỹ thuật… để SII chủ động hơn trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục