Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, các Bộ cần giảm số lượng hàng hóa tại danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả cao.
Ngoài ra, đối với hàng hóa có quy định kiểm tra tại nước xuất khẩu (điều kiện nuôi trồng, sản xuất, giống…), có thể căn cứ vào giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để miễn, giảm kiểm tra khi nhập khẩu vào Việt Nam. Kiểm tra tại nước nhập khẩu chỉ áp dụng bắt buộc đối với trường hợp hàng hóa có độ rủi ro cao, không có chứng nhận của nước xuất khẩu thì mới kiểm tra tại cửa khẩu nhập…
Các bộ, ngành nên áp dụng quản lý rủi ro kiểm tra xác suất hoặc ủy quyền cho Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện việc kiểm tra đối với những loại hàng hóa mà Trung tâm có khả năng thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành.
Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, mặt hàng có khả năng gây ô nhiễm môi trường cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu nhập khẩu tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị các bộ ngành phối hợp đồng bộ giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan Hải quan để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đối với lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm, các bộ, ngành cần sớm xây dựng và công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ để thực hiện kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, một đề xuất đột phá mà Tổng cục Hải quan đưa ra là tăng cường xã hội hóa sự tham gia kiểm tra của các tổ chức và thừa nhận kết quả kiểm tra đối với các tổ chức có đủ năng lực, nhằm giảm tải cho cơ quan kiểm tra, đồng thời tiết kiệm vốn đầu tư cho các bộ, ngành trong xây dựng bộ máy.