Tổng cục Đường bộ tính chuyện khoán thu phí BOT

Tổng cục Đường bộ vừa đưa ra phương án “khoán thu phí” các trạm BOT. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về phương án này.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra phương án “khoán thu phí” để tăng cường việc giám sát công tác thu phí đường bộ một cách chặt chẽ, minh bạch, chống thất thoát. Ảnh minh họa Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra phương án “khoán thu phí” để tăng cường việc giám sát công tác thu phí đường bộ một cách chặt chẽ, minh bạch, chống thất thoát. Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ vừa đưa ra phương án “khoán thu phí” cho các trạm BOT. Ông có thể nói rõ hơn về phương án này?

Tổng cục Đường bộ vừa báo cáo Bộ GTVT về đề xuất khoán doanh thu cho mỗi trạm thu phí sau khi đã tính toán cụ thể các số liệu.

Cơ sở của việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hằng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế). Thời gian khoán sẽ là 5 năm/lần. Sau 5 năm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.

Chúng tôi nhận định nếu thực hiện được cơ chế khoán thu phí, bên cạnh đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí, việc này cũng giúp các nhà đầu tư có được tính chủ động cao hơn. Đây thực sự là giải pháp văn minh, giúp hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Mặt khác, nếu chưa áp dụng được hình thức thu phí không dừng đại trà trên toàn quốc thì việc thực hiện giải pháp khoán doanh số thu phí là rất thiết thực, giúp cơ quan quản lý Nhà nước và nhân dân yên tâm trong việc tính sát con số thu thực tế việc thu phí của các nhà đầu tư.

Phương án “khoán thu phí” này liệu có gặp phải sự phản đối của chủ đầu tư không, thưa ông, vì lúc ký hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã “hứa” cho nhà đầu tư thu trong một khoảng thời gian nhất định, mà nay lại “gò” lại rồi bắt thu đủ số tiền, không đủ họ phải bỏ tiền túi ra bù vào?

Khi đưa ra phương án này chúng tôi đã nghĩ đến việc cân bằng lợi ích của 3 bên là doanh nghiệp (chủ đầu tư), Nhà nước và người dân.

Đó là khi muốn thực hiện việc khoán thu phí thì nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước phải ngồi lại, thống nhất mức khoán doanh thu thu phí và đàm phán với nhau ở mức độ khoán cụ thể nào để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Việc tính toán lưu lượng xe và dự báo lưu lượng xe phải chính xác và khoa học. Có thể tăng thành phần giám sát như cơ quan thuế vào cùng kiểm đếm doanh thu, vì phải xác định mức thuế sẽ cho ra con số minh bạch, sát với doanh thu thực để dân yên tâm.

Bên cạnh đó, khi khoán doanh thu, nhà đầu tư BOT phải tiết kiệm mọi chi phí điều hành, nhân công để có hiệu quả nhất. Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù vào.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc “khoán thu phí” là nhà đầu tư BOT phải đồng ý, chấp nhận khoán mới thực hiện được, do hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chưa có điều khoản này. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước không thể cứ muốn khoán là được mà phải có sự đàm phán, thống nhất giữa các bên.

Thu phí không dừng mang lại sự hiệu quả, minh bạch. Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng, hệ thống máy móc phục vụ cho công tác hậu kiểm công tác thu phí tại mỗi trạm thu phí có thể bị tác động thay đổi số liệu. Ông nhận xét về ý kiến này như thế nào?

Hệ thống máy móc phục vụ công tác hậu kiểm đặt tại các trạm thu phí có bị tác động làm thay đổi số liệu hay không chúng tôi chưa có căn cứ để khẳng định. Vấn đề này mang tính kỹ thuật nên phải có cơ quan chuyên môn, vì nó liên quan đến công tác điều tra, chứ Tổng cục không có chuyên môn để thực hiện điều này.

Qua thực tế 10 ngày kiểm tra, hệ thống máy móc lắp tại trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ phục vụ công tác thu phí và hậu kiểm đều hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để khẳng định vào những thời gian khác máy móc có bị tác động để làm thay đổi số liệu hay không thì lại là chuyện khác.

Đề án dùng công nghệ tin học để thực hiện giám sát, truyền tải trực tuyến từ trạm phí về trung tâm Tổng cục Đường bộ vừa được Bộ GTVT phê duyệt có phải là giải pháp cho việc siết chặt công tác hậu kiểm thu phí không, thưa ông?

Bên cạnh việc khoán doanh thu, Tổng cục Đường bộ cũng đang triển khai phần mềm giám sát trực tuyến số liệu thu phí, đẩy mạnh thu phí không dừng. Phần mềm giám sát trực tuyến này thực chất là việc truyền dữ liệu thu phí về thẳng Tổng cục mà không qua đơn vị trung gian nào, nhằm hạn chế thấp nhất việc “phù phép” số liệu thu phí.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ GTVT quản lý”. Đề án giám sát dùng xu hướng máy móc công nghệ tin học để thực hiện giám sát, truyền tải trực tuyến từ trạm phí về trung tâm Tổng cục để kiểm tra, giám sát, hậu kiểm liên tục.

Chúng ta đã nói rất nhiều về thu phí không dừng mang lại sự hiệu quả, minh bạch. Thế nhưng, thu phí không dừng cần có lộ trình thực hiện, vì hiện nay vẫn đang chậm thời gian triển khai (dự định vận hành vào đầu tháng 7/2016 và đã lùi xuống hết quý III/2016) do trong quá trình phối hợp giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị thực hiện dịch vụ thu phí không dừng VETC (thuộc Công ty cổ phần TASCO) chưa thống nhất đàm phán về giá dịch vụ thu phí, trong khi giấy phép đầu tư cũng mới được Bộ KH&ĐT cấp cho phía TASCO.

Ngoài ra, để bảo đảm công tác thu phí minh bạch, qua thanh kiểm tra nếu phát hiện tồn tại, Tổng cục Đường bộ nhắc nhở chấn chỉnh nhà đầu tư BOT để tuân thủ tốt hơn, bảo đảm duy trì doanh thu thu phí không thể thấp hơn thời điểm thanh tra; đồng thời điều chỉnh lại phương án tài chính nhằm giảm thời gian thu, nhà đầu tư và Bộ GTVT sẽ thương thảo lại phụ lục hợp đồng BOT.

Song song với đó, Tổng cục cũng rà soát tất cả chế tài liên quan đến bảo trì và thu phí, xây dựng một số hành vi chưa có chế tài cần phải bổ sung để xử lý nghiêm các nhà đầu tư khi vi phạm theo thẩm quyền và pháp luật.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục