Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp): Thách thức chờ dàn lãnh đạo mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thượng tầng Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - công ty cổ phần (Hancorp, mã chứng khoán HAN) vừa có sự thay đổi lớn. Biến động nhân sự cấp cao diễn ra trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh đi xuống, nợ xấu nhiều, lợi thế đất đai cũng mất dần…
Hiện nay, quỹ đất còn lại để triển khai tiếp tại dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn của Hancorp không còn nhiều. Ảnh: Dũng Minh. Hiện nay, quỹ đất còn lại để triển khai tiếp tại dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn của Hancorp không còn nhiều. Ảnh: Dũng Minh.

Hết quý I năm sau, chưa có báo cáo năm trước

Thông tin công bố cho biết, ngày 5/3/2021, ông Đậu Văn Diên, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đã được bổ nhiệm thay thế ông Bùi Xuân Dũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty. Đồng thời, ông Nguyễn Đỗ Quý, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, thay cho ông Diên.

Đây là sự thay thế sau khi ông Bùi Xuân Dũng, người đại diện phần vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hancorp được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trước đó.

Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm ở cương vị lãnh đạo Hancorp, nhưng việc được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ cao hơn tại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa thách thức sẽ lớn hơn với 2 lãnh đạo mới, nhất là trong bối cảnh phải giải quyết những vấn đề mới phát lộ sau phiên đấu giá thoái vốn không thành công hồi cuối năm 2020.

Là một trong những tên tuổi đầu ngành trong lĩnh vực thi công xây lắp dân dụng và nhà thầu xây dựng dự án hạ tầng, khu đô thị, thế nhưng hoạt động kinh doanh của Hancorp những năm gần đây có chiều hướng đi xuống.

Giai đoạn 2010 - 2014, kết quả kinh doanh của Hancorp liên tục tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận trung bình hàng năm đạt lần lượt khoảng 9.000 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, trong đó ngành nghề chính là xây lắp (chủ yếu là xây dựng dân dụng và công nghiệp) đóng góp tới 81% giá trị sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa năm 2014, hoạt động của Hancorp không còn tích cực. Doanh thu và lợi nhuận trung bình hàng năm giai đoạn 2015 - 2019 chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước đó.

Trong đó, lợi nhuận ròng Công ty mẹ Hancorp đi lùi từ mức 134 tỷ đồng năm 2017 về mức 92 tỷ đồng năm 2018 và giảm mạnh hơn trong năm 2019 xuống mức 37 tỷ đồng, tức giảm hơn 70% chỉ trong 2 năm.

Ba quý đầu năm 2020 (Hancorp chưa thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020), Tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.684 tỷ đồng, lãi ròng vỏn vẹn 5,1 tỷ đồng, chưa bằng 1/7 cùng kỳ năm 2019.

Lý do hiệu quả kinh doanh suy giảm được Ban lãnh đạo Hancorp đưa ra là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thực tế là đã được dự báo từ lâu trước đó, bởi dù đã cổ phần hóa, nhưng mô hình quản trị, kinh doanh vẫn theo khuôn mẫu cũ từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến sức cạnh trạnh thua kém hẳn so với những doanh nghiệp xây lắp tư nhân như Hòa Bình, Ricons, Coteccons…

Ngoài ra, một vấn đề lớn khác của Hancorp là sức khỏe tài chính yếu kém khi bị nợ đọng lớn và đa số đã trở thành nợ xấu.

Đơn cử, tại thời điểm cuối quý III/2020, báo cáo tài chính của Hancorp ghi nhận hơn 196 tỷ đồng các khoản phải thu, cho vay đến hạn thanh toán, trong đó giá trị có khả năng thu hồi chưa tới 49 tỷ đồng.

Các công ty trong diện nợ xấu của Hancorp gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng, Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng, Công ty TNHH Tân Long, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 - Vạn Xuân… và những khoản nợ xấu này đe dọa sẽ ăn mòn lợi nhuận vốn đã rất “hẻo” của Tổng công ty.

Cũng cần phải nói rằng, đây mới chỉ là con số từ phía Hancorp đưa ra. Trên thực tế, ngay sau khi báo cáo tài chính quý III/2020 được công bố, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc xác minh các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 tại Hancorp và kết quả cho thấy, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đối chiếu, xác nhận nợ phải thu đến ngày 31/12/2019 chưa đầy đủ, tỷ lệ đối chiếu còn chưa cao...

Trong đó, nợ phải thu khó đòi hơn 321,9 tỷ đồng, chiếm 12% tổng nợ phải thu. Một số khoản nợ phải thu phát sinh từ các năm trước, nhưng đến nay chưa thu hồi được, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, ví dụ khoản nợ 116,5 tỷ đồng của Công ty Thống Nhất 508 phát sinh từ năm 2010.

Bên cạnh đó là một số khoản công nợ có đối chiếu, nhưng chưa thống nhất về số liệu như khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa phù hợp với quy định của Bộ Tài chính của Công ty Tây Hồ (công ty con của Hancorp), dẫn đến Kiểm toán Nhà nước phải điều chỉnh tăng trích lập hơn 1,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu thiếu hấp dẫn

Theo kế hoạch, vào trung tuần tháng 12/2020, Bộ Xây dựng tiến hành đấu giá hơn 139 triệu cổ phần, tương đương 98,83% vốn điều lệ Hancorp, thế nhưng buổi đấu giá phải hủy bỏ vì không có nhà đầu tư đăng ký tham dự.

Sau đó, Bộ Xây dựng phải chuyển giao Hancorp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một trong nhiều lý do khiến nhà đầu tư ngó lơ việc đấu giá mua cổ phần thoái vốn tại Hancorp, nhất là khi các tài sản của doanh nghiệp không còn hấp dẫn.

Hiện nay, khu đất lớn nhất trong số quỹ đất mà Hancorp sở hữu là dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn với quy mô 62,8 ha, trong đó khoảng 13,5 ha xây dựng nhà ở cao tầng; 20,3 ha là đất cơ quan, trụ sở đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và gần 29 ha là đất các công trình xã hội, thế nhưng quỹ đất còn lại để triển khai tiếp dự án không còn nhiều.

Trong khi đó, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi cuối tháng 12/2020, nhiều lô đất thuê gồm các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2… chưa được Hancorp ký hợp đồng thuê, cũng chưa nộp tiền thuê đất vào ngân sách tính tới thời điểm kiểm toán (31/12/2019).

Nguyên nhân là do các cơ quan liên ngành đang phối hợp xác định giá cho thuê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai dự án của các nhà đầu tư mới muốn nắm giữ cổ phần chi phối tại Hancorp.

Trước đó, vào tháng 10/2020, với việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON 4, mã chứng khoán CC4), Hancorp coi như đã từ bỏ quyền lợi của mình tại dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu rộng gần 9,1 ha có vị trí đắc địa gần phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhường quyền phát triển dự án cho Taseco Land.

Ngoài ra, Hancorp còn đang phải đối mặt với việc nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính ở nhiều dự án. Đơn cử, dự án Nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6 Lê Văn Lương (Hà Nội) do Công ty Xây dựng số 1 (thuộc Hancorp) triển khai đã chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai thiết kế, quy hoạch, buộc phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất 10,8 tỷ đồng.

Hay như dự án Khu đô thị mới Quế Võ (Bắc Ninh) của Công ty Tây Hồ (một thành viên khác của Hancorp) chưa nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất 9,9 ha nhiều năm qua. Một dự án khác, Hancorp hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000 m2 tại quận Hà Đông (Hà Nội) từ năm 2001, nhưng cũng chưa nộp tiền sử dụng đất…

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục