Tổng công ty Đức Giang (MGG): Cửa hẹp cho nhà đầu tư mới

(ĐTCK) Là một trong những cổ phiếu dệt may sinh lời tốt nhất năm 2019, thị giá tăng gần 65% chỉ trong tuần cuối tháng 4/2020, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của thị trường... Tuy nhiên, cơ hội không dành cho tất cả nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới, khi cổ phiếu MGG có thanh khoản cực thấp.

Thanh khoản kém, thị giá leo cao

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/4/2020 tại 57.800 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu MGG của Tổng công ty Đức Giang - CTCP đã ghi nhận chuỗi bứt phá 64,7% chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 4/2020.

So với vùng đỉnh giá thiết lập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đầu tháng 2/2020 (đạt 83.000 đồng/cổ phiếu), thị giá dù đã giảm hơn 30%, nhưng vẫn giúp MGG trở thành một trong số cổ phiếu dệt may hiếm hoi ghi nhận mức tăng so với đầu năm, đi ngược xu hướng giảm sâu của thị giá nhiều doanh nghiệp lớn khác cùng ngành.

Trước đó, MGG được xem là một trong những cổ phiếu dệt may sinh lời tốt nhất trong năm 2019 khi thị giá sau điều chỉnh cổ tức tiền mặt và quyền thưởng cổ phiếu được nhận đến cuối năm tăng tới 100% so với đầu năm.

Cổ phiếu tăng giá mạnh, song điều này có lẽ chỉ giúp tăng quy mô tài sản “sổ sách” của các nhà đầu tư lớn. Chẳng hạn, với CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS), cổ đông tổ chức lớn thứ 2 tại MGG với tỷ lệ sở hữu 14,76%.

Báo cáo tài chính năm 2019 của WSS cho biết, giá trị khoản đầu tư vào MGG đã tăng từ 53 tỷ đồng hồi đầu năm lên 90,3 tỷ đồng đến cuối năm 2019, tương ứng ghi nhận 37,3 tỷ đồng lợi nhuận từ đánh giá lại khoản đầu tư cùng khoảng 3,7 tỷ đồng cổ tức được nhận.

Nếu không có khoản đầu tư này, WSS chắc chắn sẽ lỗ nặng hơn nhiều so với con số lỗ xấp xỉ 80 tỷ đồng ghi nhận trên báo cáo tài chính cả năm.

Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cơ hội đầu tư mới hay hiện thực hóa lợi nhuận với lượng cổ phiếu đang nắm giữ chẳng hề dễ dàng khi thanh khoản cổ phiếu MGG luôn ở mức rất thấp, với khối lượng khớp lệnh bình quân 30 phiên gần nhất tính đến cuối tháng 4/2020 là 225 cổ phiếu/phiên, trong đó nhiều phiên không có giao dịch.

Thanh khoản kém cũng được đánh giá là nguyên nhân dễ khiến thị giá MGG biến động với biên độ lớn.

Đơn cử, trong tuần cuối tháng 4/2020 - thời điểm thị giá MGG ghi nhận mức tăng gần 60%, tổng cộng chỉ có 1.000 cổ phiếu được chuyển nhượng. Hai phiên tăng kịch biên độ 15% đều chỉ bởi 100 cổ phiếu - tương ứng đúng 1 lô cổ phiếu được giao dịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh khoản èo uột được đánh giá là do cơ cấu cổ đông của MGG quá cô đặc.

Báo cáo thường niên 2019 của Công ty cho biết, gần 80% vốn được nắm giữ bởi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan, cụ thể: 53,63% cổ phần được giữ bởi 3 tổ chức là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (35,22%), WSS (14,71%) và Công ty TNHH Du lịch thương mại Mỹ Việt (3,7%) và  26,1% cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông nội bộ và người có liên quan.

Vì lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, nên dòng tiền lớn muốn đầu tư vào MGG chỉ có thể tìm kiếm việc chuyển nhượng từ những cổ đông hiện hữu.

Tuy vậy, từ sau khi lên sàn, cơ cấu cổ đông của MGG ít có xáo trộn cho thấy định hướng nắm giữ lâu dài của các nhóm cổ đông lớn, các giao dịch lớn nếu diễn ra thì đều thực hiện qua hình thức thỏa thuận.

Thách thức kế hoạch 2020

Kết thúc năm 2019, báo cáo tài chính hợp nhất của MGG cho biết, Công ty đạt 2.545,6 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2018. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi tăng lê 10,7% từ mức 9,93% của năm 2018, giúp MGG thu về 272,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 11,6%.

Mặc dù các chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng tăng, nhưng nhờ hoạt động tài chính mang lại 10 tỷ đồng lợi nhuận so với mức lỗ 4,8 tỷ đồng trong năm 2018, kết quả là MGG đạt 65,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 65% so với thực hiện 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 56,3 tỷ đồng, tăng 79,5%.

Tại báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ, năm 2019, MGG ghi nhận 2.543,8 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 48,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 40,1 tỷ đồng (giảm 3,6% so với năm 2018).

Toàn bộ lợi nhuận chênh lệch giữa báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của MGG được đánh giá đến từ Công ty TNHH May Đức Giang - doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng và do MGG sở hữu 100%.

Việc May Đức Giang là công ty con duy nhất được hợp nhất vào báo cáo tài chính giúp lãi ròng hợp nhất của MGG không phải phân bổ lợi ích cổ đông thiểu số.

Năng lực sản xuất của MGG với 24 nhà máy may, 160 dây chuyền may và gần 10.000 lao động, hiện nằm chủ yếu ở khối 8 công ty liên doanh - liên kết. Trong số này, tỷ lệ sở hữu cao nhất của MGG là tại Công ty TNHH May và thương mại Việt Thành với 35% vốn, 7 doanh nghiệp còn lại chỉ sở hữu từ 20-30% vốn.

Đáng chú ý, báo cáo Ban điều hành do ông Phạm Tiến Lâm - Tổng giám đốc MGG, trình bày tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra mới đây cho biết, tổng doanh thu cả năm 2019 đạt 3.157 tỷ đồng, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 117 triệu USD, doanh thu thương mại trong nước đạt 466 tỷ đồng, bao gồm 360 tỷ đồng đến từ CTCP Thương mại và đầu tư Đức Giang (TIDG) và 106 tỷ đồng từ CTCP Thời trang và đầu tư Đức Giang (FIDG).

Cũng tại đại hội, MGG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu tăng 6% so với năm 2019, lên mức 3.350 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu ước đạt 126 triệu USD, tăng 8% và doanh thu thương mại nội địa ước đạt 452 tỷ đồng, phân bổ lần lượt cho TIDG là 320 tỷ đồng và FIDG là 122 tỷ đồng.

Đại dịch Covid-19 đang khiến năm 2020 trở thành năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Nếu như thời điểm dịch xuất hiện vào tháng 2/2020 khiến việc thu mua nguyên liệu bị đình trệ, thì bước sang tháng 3, tình hình thêm khó khăn khi đầu ra bế tắc do dịch bệnh lan rộng tại Mỹ và châu Âu - là những thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Đối mặt với các biện pháp giãn cách xã hội và sức mua suy giảm, nhiều đối tác giãn nhận đơn hàng đã ký, tạm dừng đơn hàng mới, chậm thanh toán đơn hàng đã nhận, thậm chí hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 của MGG là một dấu hỏi, khi mà Mỹ và EU là 2 thị trường lớn nhất của Công ty trong năm 2019 với tỷ trọng lần lượt là 57,3% và 21,1%, đứng thứ 3 là Canada với 10,3%.

Riêng 3 thị trường này đã chiếm đến 88,7% giá trị xuất khẩu và đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Trong buổi làm việc giữa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) với một số hiệp hội, ngành hàng mới đây, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra 3 kịch bản.

Theo đó, trong kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện tại, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 30-31 tỷ USD.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết đều công bố giảm doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu năm 2020, song mức giảm này được đánh giá chưa phản ánh hết khó khăn.

Con số xác thực hơn phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.

Báo cáo ngành dệt may mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS) cập nhật trong quý I/2020, giá trị xuất khẩu hàng may mặc giảm 7,7% so với cùng kỳ 2019.

Trong nửa đầu tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu hàng may mặc giảm tới 35,4% so với cùng kỳ.

Trở lại với MGG, dù chưa công bố thông tin kết quả kinh doanh quý I/2020, nhưng theo báo cáo tại đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức, kim ngạch xuất khẩu trong quý đầu năm nay của Công ty ước đạt 23,2 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ 2019.

Ngoài vấn đề lợi nhuận, nguy cơ đối tác chậm nhận hàng, chậm thanh toán cũng sẽ khiến bài toán dòng tiền chịu áp lực không nhỏ, khi cấu trúc tài chính của MGG cũng tương đồng với nhiều doanh nghiệp dệt may khác với phải thu ngắn hạn và tồn kho là những khoản mục lớn nhất trên báo cáo tài chính.

Tính đến cuối năm 2019, giá trị của 2 khoản mục này lần lượt là 301,8 tỷ đồng và 257,4 tỷ đồng, chiếm tương ứng 32,4% và 27,6% tổng tài sản của Công ty.

Kể từ đầu tháng 5/2020 đến nay, cổ phiếu MGG tiếp tục xu hướng giảm đi kèm thanh khoản èo uột. Kết thúc phiên 13/5, thị giá MGG đứng ở mức 41.900 đồng/cổ phiếu, giảm 27,5% so với thời điểm cuối tháng 4 và giảm 22,4% so với đầu năm, đồng thời không có cổ phiếu nào được giao dịch. Trong 10 phiên gần nhất, khối lượng khớp bình quân chỉ đạt 200 đơn vị/phiên.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục