Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW): Hai bài toán lớn cần lời giải

(ĐTCK) Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đang có hai bài toán lớn là nguyên liệu than, khí cho các nhà máy hiện hữu và hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư dự án mới.

Kế hoạch 2020 và định hướng đầu tư đến năm 2025

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 12/6 tới, POW sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu tổng sản lượng điện sản xuất 21.600 triệu kWh, giảm 4,2%; tổng doanh thu 35.448,6 tỷ đồng, giảm 1,4% và lợi nhuận sau thuế 2.043,8 tỷ đồng, giảm 28,4% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, sản lượng điện sản xuất theo kế hoạch giảm ở các nhà máy Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2.

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ trình đại hội thông qua hợp đồng mua bán khí cho nhà máy điện Nhơn Trạch 1 từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; kế hoạch chia cổ tức năm 2019 và 2020 với tỷ lệ 3%/năm.

Định hướng của POW giai đoạn 2021 - 2025 là đưa vào vận hành nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 & 4 với tổng công suất hai nhà máy khoảng 1.300 - 1.760 MW.

Trong tháng 12/2019, Tổng công ty đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở, trình Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự kiến, hai dự án sẽ được phê duyệt trong tháng 6/2020, khởi công trong quý II/2021, vận hành thương mại Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý II/2024. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án của POW là 32.481 tỷ đồng, gồm 25% vốn chủ sở hữu và 75% vốn vay.

Về dự án thuỷ điện Luang Prabang ở Lào, doanh nghiệp đã hoàn thành công tác xây dựng bộ cơ chế đặc thù trình Chính phủ cùng với báo cáo nghiên cứu kỹ thuật của dự án.

Một số vấn đề đáng quan tâm trước thềm đại hội

Mặc dù POW hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu, nhưng doanh nghiệp đang đối diện với hai bài toán lớn: một là làm sao cung cấp đủ nguyên liệu than, khí cho các nhà máy hiện hữu vận hành đạt công suất cao; hai là doanh nghiệp đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư dự án mới, cần thời gian dài đi qua điểm hoà vốn, vì vậy hiệu quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng doanh thu nhiều khả năng thấp hơn tốc độ tăng thêm của chi phí, đặc biệt là rủi ro tỷ giá. Theo đó, có một số vấn đề cổ đông đáng quan tâm chất vấn tại đại hội của POW.

Thứ nhất, vấn đề thiếu khí và thiếu than cho các nhà máy của POW trong những năm qua chưa được giải quyết trong bối cảnh Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) chậm triển khai dự án mới, trong khi các mỏ khí hiện hữu có trữ lượng giảm dần và nguyên liệu than đầu vào không đủ cung cấp trong nước.

Tình trạng này đang là thách thức đối với sự ổn định hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sử dụng khí và than.

Vậy POW có giải pháp nào thay thế sự phụ thuộc nguyên liệu vào các đơn vị cung cấp trong nước, chẳng hạn nhập khẩu trực tiếp than? Hiện nay, giá than thế giới đang ở mức thấp, khoảng 57 USD/tấn, trong khi năm ngoái là 67 - 70 USD/tấn.

Thứ hai, POW lên kế hoạch phát triển hai dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 & 4 với tổng vốn đầu tư lớn, chủ yếu là vốn vay.

Trong khi các dự án nhiệt điện khí hiện hữu vẫn đối mặt với bài toán thiếu khí đầu vào, điều gì đảm bảo hai nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 khi đi vào vận hành sẽ có đủ nguồn khí nguyên liệu?

Bên cạnh đó, việc đầu tư với tỷ lệ nợ vay cao, doanh nghiệp đã tìm được đối tác vay hay chưa và dự kiến một nhà máy nhiệt điện khi đi vào vận hành cần bao nhiêu lâu để đi qua điểm hoà vốn, từ năm nào sẽ bắt đầu trả dần nợ vay gốc?

Thứ ba, trong báo cáo quý I/2020, POW ghi nhận doanh thu thuần 7.975,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 505 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 44,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Được biết, trong quý đầu năm, giá than và giá khí đầu vào đều giảm mạnh, nhưng biên lợi nhuận gộp không những không được cải thiện mà lại giảm còn 12,8% so với mức 15,6% của cùng kỳ, vì sao?

Thứ tư, trong quý đầu năm 2020, POW ghi nhận lỗ tỷ giá 136,1 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ là gần 300.000 đồng.

Tỷ giá trong quý II có diễn biến giảm, nhưng Tổng công ty có kịch bản nào để phòng ngừa rủi ro nếu tỷ giá tăng trở lại, nhất là khi doanh nghiệp đang lên kế hoạch phát triển dự án bằng vay nợ lớn?

Đáng lưu ý, trong môi trường bất ổn toàn cầu từ căng thăng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều nước có xu hướng bảo hộ thương mại, giới đầu tư ưu tiên nắm giữ đồng tiền mạnh, gây sức ép lên tỷ giá trong nước.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục