Tổng cầu yếu, tăng trưởng kinh tế vẫn rất khó khăn

(ĐTCK) Tính đến ngày 1/4/2013, hàng tồn kho công nghiệp chế biến vẫn tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Tổng cầu yếu, tăng trưởng kinh tế vẫn rất khó khăn

Tổng cầu yếu, tăng trưởng kinh tế vẫn rất khó khăn  ảnh 1Doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng và khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 4 tăng 4,6%, thấp hơn quý I/2012

 

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam ) phối hợp cùng với Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 4/2013. Theo đó, PMI ngành sản xuất Việt Nam được điều chỉnh theo mùa tăng nhẹ từ mức 50,8 điểm của tháng 3 lên 51 điểm vào tháng 4, biểu thị các điều kiện sản xuất đang dần cải thiện lần đầu tiên trong gần hai năm qua. PMI tăng nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời sản lượng sản xuất cũng tăng nhẹ.

Bình luận về diễn biến PMI tháng 4, bà Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC cho rằng: “Sự mở rộng hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu trong nước dần được cải thiện. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng được thể hiện ở mức gia tăng việc làm và sản lượng. Trong khi nền kinh tế còn bị trì trệ vì hoạt động kém hiệu quả của khu vực quốc doanh thì khu vực tư nhân, đặc biệt là ngành sản xuất, tiếp tục góp phần vào việc duy trì đà phát triển của nền kinh tế. Mức tăng đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành sản xuất cần nhiều lao động”.

Ngược với bức tranh khá tươi sáng được HSBC đưa ra, Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố lại thể hiện nhiều quan ngại. Theo ủy ban này, tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ vẫn chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, tính đến ngày 1/4/2013, hàng tồn kho công nghiệp chế biến vẫn tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới, mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kỹ thuật do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đồng Tâm nhận định, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng và khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 4 có mức tăng 4,6%, thấp hơn so với mức 5,9% của quý I/2012. Bên cạnh đó, cầu đầu tư cũng đạt mức thấp, kéo theo sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm. Vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2013 đạt 202.600 tỷ đồng, xấp xỉ 20% kế hoạch năm và tương đương 29,6% GDP, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (đạt mức 36,2% GDP).

Xét theo cơ cấu vốn đầu tư, chỉ vốn đầu tư của khu vực FDI đạt kế hoạch quý I/2013 (đạt 2,7 tỷ USD, tương đương hơn 25% kế hoạch năm), vốn đầu tư khu vực nhà nước và vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước đều không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, vốn đầu tư khu vực nhà nước (bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước) đạt 74.800 tỷ đồng, tương đương 19% kế hoạch năm; Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước đạt 74.800 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 18% kế hoạch năm, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 10,9% GDP quí I/2013.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch đề ra, một là, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chậm; hai là, thủ tục còn nhiều phức tạp; ba là, hồ sơ, giấy tờ yêu cầu thanh toán vẫn chưa đầy đủ và trong một chừng mực nào đó, tình hình tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2013 dù có khả quan hơn so với những tháng đầu năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6 - 6,5%, tăng trưởng kinh tế 5,5% cho cả năm 2013, các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tổng cầu phải được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và quan trọng là sự thích hợp của liều lượng giải pháp, nếu không rất dễ kích nhầm, kích quá đà, tạo ra quan ngại lạm phát.    

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục