Tổng bí thư: Xử lý cán bộ sai phạm đúng luật pháp và trách nhiệm

Đề cập đến việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định "sắp tới còn làm tiếp theo đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Giang Huy

Sáng 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội thứ 3 tại UBND quận Ba Đình (Hà Nội). 

Cử tri Đinh Vũ Khuynh (phường Kim Mã) và Đỗ Thị Kim Oanh (phường Đội Cấn) quan tâm đến việc kỷ luật cảnh cáo ông Đinh La Thăng (Phó trưởng ban kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN), đề nghị Quốc hội giám sát việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ diện Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý.

"Vừa qua Trung ương đã cảnh cáo ông Đinh La Thăng và ông Thăng cũng đã xin lỗi nhân dân. Đây là kỷ luật đảng. Về phía Quốc hội, mong có những giám sát chặt chẽ”, bà Oanh nói.

Ông Khuynh nêu băn khoăn trước việc Uỷ ban kiểm tra Trung ương chỉ ra, nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn dầu khí (giai đoạn 2009-2015) đã bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn, như vậy hình thức kỷ luật các cán bộ liên quan như thế nào cho phù hợp, tránh bị cho là còn nương nhẹ?

Cử tri Nguyễn Hồng Toán thì nhận xét ông Đinh La Thăng là con người xông xáo và có tài, nhưng "công là công, khuyết điểm là khuyết điểm, cần làm rõ".

Giải đáp các vấn đề cử tri nêu ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết vừa qua các cơ quan chức năng đã xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật nhiều cán bộ từng là uỷ viên Trung ương Đảng, như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Phó trưởng ban tổ chức trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc..., rồi ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.

"Sắp tới còn nữa, các bác cứ chờ, chứ không phải không nghiêm đâu", Tổng bí thư nói.

Đề cập đến việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, Tổng bí thư nói: "Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm".

Theo Tổng bí thư, vừa qua họp Trung ương xong thì "dư luận rất tốt, còn tất nhiên bên ngoài nói xấu, xuyên tạc, kiểu gì cũng nói được". 

"Phải cảnh giác với những âm mưu kích động, nào là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia. Thế nào là nặng, nhẹ thì chúng ta cần xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, tính toán nhiều mặt. 

Sắp tới còn làm tiếp, nhưng làm thế nào thì không thể nói trước được. Chúng ta cứ làm đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Cần làm rõ "ai chống lưng cho ông Trịnh Xuân Thanh"

Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) phát biểu, vừa qua nhiều người dân vui và hoan nghênh Trung ương, Tổng bí thư đã vì cái chung, "xử lý kỷ luật vài người để cứu muôn người". Từ vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vấn đề khác.

 Cử tri Trần Viết Hoàn. Ảnh: Giang Huy
Ông Hoàn phản ánh, vừa qua có nhiều cán bộ "gây ra tội lỗi rồi trốn ra nước ngoài mà không ai hay", ví dụ như các trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...; giờ lại thêm nữ trưởng phòng ở Thanh Hoá sau khi được "bổ nhiệm thần tốc" và bị thanh tra thì hiện không ai rõ là cô này đang ở đâu. 

"Liệu có ai chống lưng cho họ bỏ trốn? Không lẽ có sai phạm thì xin ra khỏi Đảng như Trịnh Xuân Thanh, ra khỏi công chức như nữ trưởng phòng ở Thanh Hoá, ra khỏi Quốc hội như ông Võ Kim Cự... Xử lý như vậy là chưa đủ sức răn đe", ông Hoàn nói và cho rằng cần xem xét những người đưa họ vào cơ cấu, có phải là "thứ nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, thứ tư mới trí tuệ hay không".

Ngoài các nội dung nêu trên, cử tri Trần Viết Hoàn cho hay, "chúng tôi cũng vui khi thấy lãnh đạo có những việc làm sáng suốt, như Chủ tịch Hà Nội đã chỉ đạo tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng từ việc cắt cỏ, chăm sóc cây xanh; chỉ ra nhóm lợi ích trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ; đối thoại với người dân trong sự kiện ở Đồng Tâm". 

Tuy nhiên, về công tác tổ chức cán bộ, ông cho rằng cần xem xét lại một cách nghiêm túc vì nhiều nơi lợi dụng quản lý lỏng lẻo đã "đưa nhau lên làm quan" gây thiệt hại cho nhà nước.

Cụ thể ở Hải Dương, Sở Lao động có 46 biên chế thì 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên; Sở Nông nghiệp Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo... 

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục