
“Việc giải quyết thủ tục hành chính của dân phải ở cấp xã, phường. Dân không phải lên tỉnh, thành phố hay Trung ương làm gì cả. Việc gì quá thẩm quyền của xã thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố, dân không việc gì phải lên đến tỉnh”.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh như trên trong cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội) trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 17/4.
Báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 9, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 5/5 và dự kiến bế mạc sáng 28/6. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, xem xét thông qua 30 dự án luật và 7 nghị quyết.
Nêu ý kiến, cử tri Trương Văn Cường (quận Hai Bà Trưng) nhận định, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều phức tạp đang đặt ra những thử thách rất lớn cho ngoại giao và kinh tế.
Vị cử tri này cũng ghi nhận phản ứng nhanh chóng, kịp thời, khôn khéo của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quyết sách mạnh mẽ được đưa ra cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách ngoại giao và kinh tế.
“Việc Việt Nam ngay lập tức thiết lập kênh đàm phán, cử đặc phái viên của Tổng Bí thư trao đổi với phía Mỹ về chính sách thuế đối ứng mới cho thấy bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin của Việt Nam trong quan hệ quốc tế”, ông Cường phát biểu.
Đề cập đề án sáp nhập tỉnh, thành, cử tri Trần Thị Nhị (quận Đống Đa) cho rằng, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, đây thực sự là một cuộc cách mạng quyết liệt chưa từng có tiền lệ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “trên tiên phong gương mẫu, dưới chấp hành triển khai”.
Bà Nhị cho hay, người dân đồng tình ủng hộ chủ trương này với mong muốn dành thêm nguồn lực chăm lo cho y tế, giáo dục, cho các chính sách an sinh xã hội.
Nhưng theo bà, việc sắp xếp bộ máy cũng đặt ra nhiều thách thức, cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra giám sát; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo nhiệm vụ.
“Sắp xếp bộ máy không đơn giản là giảm số lượng, mà phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có cơ chế đánh giá minh bạch, khoa học và quyết tâm loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu”, bà Nhị góp ý.
Trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ và phụ thuộc
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Tô Lâm nói ông rất phấn khởi vì các cử tri đồng tình rất cao với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời mong muốn những chủ trương đó sớm được triển khai vì tương lai và sự phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư chia sẻ, từ đầu năm 2025, bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, điển hình là căng thẳng về hàng rào thương mại thuế quan, sự bất ổn chính trị gia tăng, các nước thắt chặt tiền tệ tác động lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nêu rõ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ, Tổng Bí thư nói Việt Nam phải chủ động ứng phó, nâng cao khả năng phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.
Vừa qua Trung ương, Chính phủ đã có những ứng phó bước đầu cũng giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm, nhưng chắc chắn, “cuộc chiến” này còn rất phức tạp, chúng ta cần thích ứng và có chính sách phù hợp”, Tổng Bí thư trao đổi,
Theo Tổng Bí thư thì “trong nguy có cơ”, trước thách thức đó, Việt Nam cũng có cơ hội để xem xét lại định hướng phát triển, làm sao để nền kinh tế đủ sức chống chọi với rủi ro vì nếu không đủ sức chống chọi, ta sẽ bị ảnh hưởng ngay.
Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ và phụ thuộc. Ông nói: “Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, xuất nhập khẩu đứng top 20 thế giới, nếu không có sự chủ động sẽ phải chịu sự tác động lớn. Vì vậy, cần tăng cường thị trường tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường thương mại sang nhiều quốc gia, khu vực thay vì phụ thuộc vào một quốc gia…”,
Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, phải duy trì tăng trưởng kinh tế với mục tiêu trước mắt đạt mức 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.
Cơ quan Nhà nước không phải "nơi trú chân" an toàn
![]() |
Tổng Bí thư Tô lâm trao đổi với cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh TN. |
Hồi âm quan tâm của cử tri về sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, Tổng Bí thư thông tin, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, trong đó có chủ trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương được xác định trên tinh thần đột phá, mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và đất nước, Tổng Bí thư nêu rõ.
Ông nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương không phải chỉ để giảm chi phí hành chính, mà quan trọng là tạo dư địa phát triển cho từng địa phương, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giúp giảm biên chế, giảm tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Tổng Bí thư đánh giá, giai đoạn 1 của việc sắp xếp, Trung ương đã gương mẫu làm trước với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các cơ quan Trung ương. Việc này được đánh giá rất tốt, không ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại, không ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của đất nước và người dân, doanh nghiệp nói riêng.
Trong giai đoạn 2 với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo Tổng Bí thư phải phân cấp rõ Trung ương làm gì, tỉnh thành làm gì và cấp xã làm gì. Việc này nhằm khắc phục bất cập trước đây khi có một nhiệm vụ nhưng cả 3 cấp cùng làm, không rõ ranh giới và không rõ trách nhiệm đến đâu.
Trung ương phải lo chiến lược, lo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, còn lại phân cấp cho địa phương. Tổ chức lại cấp xã theo hướng đây là cấp chính quyền gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Tất cả vấn đề của dân xã phải nắm được hết, Tổng Bí thư trao đổi với cử tri.
Ông lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tránh 2 khuynh hướng. Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân.
Hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính của dân phải ở cấp xã, phường. “Dân không phải lên tỉnh, thành phố hay Trung ương làm gì cả. Việc gì quá thẩm quyền của xã thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố, dân không việc gì phải lên đến tỉnh”, ông nói.
Hồi âm ý kiến của cử tri về việc lựa chọn cán bộ khi sắp xếp bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt của then chốt, phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm phục vụ nhân dân. Bộ máy cơ quan Nhà nước không phải nơi trú chân an toàn, một người cá nhân chủ nghĩa không có chỗ trong bộ máy đó.
Nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, một cán bộ nếu không làm Nhà nước có thể làm tư nhân, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng gợi mở.