Tôn vinh những “cánh chim đầu đàn” về minh bạch

(ĐTCK) Lễ trao giải báo cáo thường niên (BCTN) lần thứ 7 diễn ra đúng vào dịp TTCK Việt Nam mừng tròn 14 tuổi và cũng là ngày Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chính thức ra mắt toà nhà mới. Đây không chỉ là niềm vui của những người đến tham dự sự kiện này, mà là của tất cả các thành phần tham gia thị trường.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. HCM giao lưu với Ban Tổ chức Cuộc bình chọn BCTN Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. HCM giao lưu với Ban Tổ chức Cuộc bình chọn BCTN

TTCK Việt Nam: Niềm vui nhân ba

TTCK Việt Nam ra đời ngay sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997-1998. Sau khủng hoảng, đa số DN không muốn lên sàn. Các yếu tố thị trường còn rất sơ khai và chưa được xác lập đồng bộ. Hệ thống ngân hàng chưa phát triển. Đến giai đoạn 2006-2007 và năm 2011, kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao, cùng lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng TTCK Việt Nam đã không bị đổ vỡ như ở một số nước trong khu vực, mà phát triển ổn định, mạnh mẽ, trở thành kênh đầu tư, kênh dẫn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.

Đó là những dấu ấn quan trọng được TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) nhắc đến tại sự kiện kỷ niệm 14 năm thành lập TTCK Việt Nam và trao giải BCTN 2014 tại toà nhà mới của HOSE vào 26/7/2014.

Ngày 28/7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM - nay là HOSE chính thức mở cửa hoạt động. Tính đến cuối tháng 6/2014, HOSE đã tổ chức 3.309 phiên giao dịch. Năm 2009 và 2010 là giai đoạn thị trường có thanh khoản cao nhất, với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE hơn 1.500 tỷ đồng. Ngưỡng này đã được vượt qua trong 6 tháng đầu năm nay khi mức giao dịch bình quân lên gần 2.000 tỷ đồng, dù chưa là gì so với nhiều thị trường khu vực.

HOSE hiện có 303 cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ và 38 trái phiếu niêm yết. Giá trị vốn hoá đến cuối tháng 6/2014 là gần 1 triệu tỷ đồng, tương đương 28,3% GDP. TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn được DN tìm đến. Theo thống kê của HOSE, các DN đã tăng gấp đôi số lượng cổ phần phát hành sau khi lên sàn; tổng khối lượng niêm yết lần đầu 16,7 tỷ cổ phần, trong khi khối lượng niêm yết bổ sung là 15 tỷ cổ phần. Ngoài ra, HOSE đã tổ chức 316 đợt đấu giá cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, thu về 63.000 tỷ đồng.

Nếu tính cả Sở GDCK Hà Nội (HNX), toàn thị trường có gần 700 cổ phiếu niêm yết với vốn hóa tương đương 32% GDP. Tiêu chuẩn niêm yết ngày càng được nâng cao. Thị trường còn có 540 trái phiếu chính phủ niêm yết với giá trị niêm yết gần 17% GDP. Ngoài ra, có 147 DN đăng ký giao dịch trên UPCoM.

14 tuổi chưa là còn quá trẻ. TTCK Việt Nam còn nhiều việc phải làm. TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE, cho biết, bên cạnh toà nhà mới Exchange Tower vừa khai trương, HOSE quyết tâm hoàn thành Trung tâm Dữ liệu Dự phòng trong năm nay và hệ thống thông tin tích hợp toàn thị trường vào năm sau hoặc chậm nhất là năm 2016.

Một công việc quan trọng khác HOSE đang nỗ lực thực hiện là chuẩn bị cho việc sáp nhập HOSE và HNX. Liên quan đến việc dạng hoá các sản phẩm đầu tư, ngoài việc gia tăng khối lượng cổ phiếu niêm yết, HOSE sẽ đề xuất và triển khai nhiều sản phẩm mới làm phong phú hàng hoá trên thị trường. Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sẽ được ra mắt thị trường trong năm nay. Các sản phẩm khác như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), chứng quyền (covered warrant) đang được trình cơ quan quản lý. Bộ chỉ số ngành cũng đang chuẩn bị đưa vào tính toán để cung cấp thêm thông tin chỉ báo cho thị trường cũng như làm chỉ số cơ sở cho các sản phẩm quỹ đầu tư.

Đánh giá hoạt động của TTCK trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “TTCK Việt Nam đã đứng vững và tiếp tục phát triển ngay cả khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thị trường đã thu hút đông đảo và tạo được lòng tin đối với công chúng đầu tư trong và ngoài nước với gần 1,3 triệu tài khoản, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài lên đến 13 tỷ USD”.

Bộ trưởng chỉ đạo: “UBCK, các Sở GDCK và các thành viên thị trường cần tiếp tục phát huy những gì đã đạt được, tái cơ cấu tổ chức thị trường theo hướng hợp nhất nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, tăng cường khả năng hội nhập khu vực và quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế”.

Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2000, TTCK mở cửa hoạt động tại TP. HCM là bước đầu tiên xây dựng một TTCK chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đến nay, quy mô thị trường đã tăng 924 lần với trên 300 DN lớn niêm yết. Đây là kết quả rất đáng trân trọng trong bối cảnh nền kinh tế trải qua nhiều thách thức thời gian qua.

Đại diện cho UBND TP. HCM, bà Hồng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của HOSE để cùng với ngành ngân hàng, trở thành kênh dân vốn ­quan trọng, góp phần xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm tài chính, góp sức vào động lực phát triển kinh tế Việt Nam.

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE và bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCK trao giải cho DN có BCTN được bình chọn trong Top 10 BCTN tốt nhất năm 2014

Tôn vinh những “cánh chim đầu đàn” về minh bạch

Đây là năm thứ 7 liên tiếp Cuộc bình chọn được HOSE và Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Dragon Capital. Theo đánh giá của bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc HOSE, qua 7 năm, ý thức lập BCTN của DN đã có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là đã bám các quy định của Thông tư 52 về công bố thông tin.

Không chỉ dừng lại với những thông tin bắt buộc theo mẫu quy định, nhiều BCTN của các công ty niêm yết đã thể hiện một bức tranh toàn cảnh hơn về DN với hình thức bắt mắt, dễ đọc, dễ hiểu hơn. Đặc biệt, các công ty đã chú trọng hướng đến các thông lệ quốc tế trong việc thực hiện BCTN. Hầu hết công ty đã nhận thức được vai trò của BCTN không chỉ là một ấn phẩm quan trọng thể hiện hiện trạng DN, mà còn là phương tiện hiệu quả để gửi các thông điệp cần thiết đến thị trường, giúp nâng cao uy tín DN, thu hút ngày sự quan tâm của công chúng đầu tư và các đối tác kinh doanh.

Ấn tượng nhất trong số 50 DN được nhận giải BCTN 2014 là Vinamilk (VNM). Vinamilk giành 3 giải cùng lúc là giải BCTN xuất sắc nhất, giải Báo cáo phát triển bền vững và giải Quản trị công ty tốt nhất lần đầu tiên được tổ chức. Quán quân Giải Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất được trao cho Tập đoàn Bảo Việt.

Bà Tâm cho biết, năm tới, tiêu chí chấm BCTN sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao yêu cầu về chất lượng thông tin và hình thức thể hiện. Các tiêu chí đánh giá cơ bản là “chuẩn mực, minh bạch, chuyên nghiệp và sáng tạo” sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy, đồng thời tăng cường thêm các tiêu chí hướng đến tiếp cận các thông lệ quốc tế về quản trị DN và phát triển bền vững.

“50 DN nhận giải là nguồn động viên cho các DN niêm yết trong việc công bố thông tin minh bạch”, bà Tâm nói. Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, các DN nhận giải BCTN tốt nhất chính là những cánh chim đầu đàn về tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Bộ trưởng mong rằng những điển hình này sẽ được nhân rộng trên TTCK Việt Nam.

Do bận việc đột xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã không có mặt trong Lễ kỷ niệm 14 năm TTCK Việt Nam và trao giải BCTN tốt nhất năm nay. Lẵng hoa chúc mừng của Thủ tướng gửi đến TTCK và các DN trong sự kiện này là sự động viên, khích lệ quan trọng, thúc đẩy các thành viên thị trường nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, xây dựng TTCK Việt Nam trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế.

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục