Tổn thất hợp đồng, CEO hay nhân viên phải chịu trách nhiệm?

Phải tìm bằng được nguyên nhân và phân chia trách nhiệm từng người khi doanh nghiệp bị tổn thất vì vi phạm hợp đồng, chứ không phải vì háo thắng mà CEO nhất quyết bắt nhân viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bà Bạch Thị Lệ Thoa (giữa) với vai trò là CEO của kỳ này Bà Bạch Thị Lệ Thoa (giữa) với vai trò là CEO của kỳ này

Người đồng tình khen CEO mạnh mẽ và quyết đoán, kẻ không ủng hộ nói CEO quá cứng nhắc, thiếu linh động. 2 luồng ý kiến trái chiều bình luận rất sôi nổi trên facebook của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, sau khi kỳ 1 của chương trình có chủ đề “Quyền lợi và trách nhiệm - Tổn thất vì hợp đồng”, phát sóng trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam hôm 6/7/2014.

Cuộc tranh luận này cũng nảy lửa không kém trong cuộc tranh biện của CEO và đại diện các khách mời trong chương trình, khi mà vấn đề đền bù tổn thất cho các hợp đồng vi phạm gần như là chuyện “cơm bữa” trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)  hiện nay.

“Việc có lỗi trong quá trình sản xuất không thể không xảy ra. Nhưng quan trọng là cách xử lý của người điều hành như thế nào để dung hòa được tất cả. Điều đó mới cần phải bàn”, bạn Vũ Hoàng Long bình luận.

Trên thực tế, đây cũng chính là điều mà các DNNVV Việt Nam đặc biệt quan tâm, bởi trong quá trình sản xuất - kinh doanh, khó tránh những sơ suất, phải đền bù thiệt hại và khi ấy, bài toán được đặt ra, ai là người phải chịu trách nhiệm cho các tổn thất đó?

Ở cương vị CEO của Chương trình, bà Bạch Thị Lệ Thoa, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật gia Phạm, đã tỏ ra cương quyết khi cho rằng, trưởng phòng sản xuất phải chịu trách nhiệm đền bù 150 triệu đồng tổn thất hợp đồng. Tuy nhiên, theo bạn Người Đương Thời, cần rà soát và quy lỗi rõ ràng. “Ai sai người ấy phải chịu. Còn chịu như thế nào, trình tự và thời hạn đền bù như thế nào lại là chuyện khác. Như vậy thì trách nhiệm mới rõ ràng, quy củ mới nghiêm minh, DN mới phát triển được”, bạn Người Đương Thời bình luận.

Ai đền bù thiệt hại, quy trách nhiệm ra sao thực sự là một bài toán khó trong bất kỳ DNNVV nào của Việt Nam. Tranh luận giữa CEO và trưởng phòng sản xuất dù có “nóng như chảo lửa” thì cũng sẽ khó tìm được giải pháp toàn vẹn cho cả hai bên, nếu như không tìm được nguyên nhân đích thực gây ra sai sót trong quá trình sản xuất.

“Phải tìm bằng được nguyên nhân và phân chia trách nhiệm từng người”, ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, bà Lê Thị Kim Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dynamic Consulting chia sẻ kinh nghiệm rằng, xử lý tình huống này, CEO phải thực sự lắng nghe người lao động và phân chia trách nhiệm một cách công bằng. “Sai tới đâu, chịu trách nhiệm tới đó, không thể quy trách nhiệm cho một cá nhân”, bà Kim Anh nói.

Chia sẻ về quản trị DN hiện đại, ông Dương cũng cho rằng, điều quan trọng là mỗi CEO phải vẽ hình ảnh một CEO quyết đoán trong con mắt nhân viên. “Quyết đoán vì công việc chứ không phải là cãi chày, cãi cối, lấy háo thắng làm đầu. Phải lấy lắng nghe làm trọng, cách thuyết phục nhân viên phải nhẹ nhàng mà chân thành”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, theo ông Dương, điều quan trọng đối với DNNVV không phải là chạy theo xử lý tình huống, bắt ai phải chịu trách nhiệm, mà phải có chương trình quản trị khủng hoảng, để trong trường hợp có sự cố, sẽ quản trị chủ động và có thể trích một phần quỹ dự phòng rủi ro để đền bù tổn thất vì vi phạm hợp đồng. “Quản trị hiện đại thì phải như vậy”, ông Dương nói.

Tương tự, bạn Ngọc Anh Trương, khi bình luận trên facebook của Chương trình cũng cho rằng, vấn đề quỹ dự phòng và quy trình xử lý khủng hoảng mới cần được xem xét trong trường hợp này, chứ không nhất nhất là vấn đề giải quyết con số 150 triệu đồng, ai phải bỏ ra đền bù.

“Các DN có nhân tố nước ngoài hay các DN lớn ở Việt Nam thì bài toán quản trị rủi ro đã có lời giải cụ thể hết rồi. Thiết nghĩ, các DNNVV cũng cần quan tâm và chú trọng đến vấn đề quản trị rủi ro, chứ không phải khi xảy ra chuyện, mới mổ xẻ trách nhiệm thuộc về ai?”, bạn Nguyễn Ngọc Khả Hân bày tỏ quan điểm.

Như vậy chỉ từ một tình huống là, một DN vì vi phạm hợp đồng mà bị thiệt hại 150 triệu đồng, nên quy trách nhiệm cho ai, mà có rất nhiều vấn đề được đặt ra và đây đều là những thực tế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mà các DNNVV Việt Nam phải đối mặt. Không chỉ là ai chịu trách nhiệm, CEO nên hành xử thế nào trong tình huống này, mà lớn hơn, còn là quản trị rủi ro, xử lý khủng hoảng…

Kỳ 2 của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Quyền lợi và trách nhiệm - Tổn thất vì hợp đồng”, sẽ là cuộc thảo luận giữa CEO của Chương trình và hai chuyên gia Lê Thẩm Dương và Lê Thị Kim Anh. Cuộc tranh biện này sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm quý cho các DNNVV  trong xử lý các tình huống tương tự.

Nhã Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục