Tồn kho lớn, bán 2 tháng mới hết
Theo Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu 10 tháng qua đạt 120.000 chiếc, trị giá 2,66 tỷ USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 10 tháng qua đạt 284.200 chiếc, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018.
Như vậy, sản lượng ô tô cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đều tăng, vượt con số 400.000 xe, trong đó tăng cao nhất là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Trong khi đó, theo Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 10 tháng qua, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) của các DN thành viên đạt 153.144 chiếc và xe nhập khẩu (CBU) của toàn ngành (tính cả các DN không thuộc VAMA) là 106.138 chiếc.
Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12%, trong khi xe nhập khẩu tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, ngoài các thành viên thuộc VAMA còn phải kể đến các DN khác như TC Motor, VinFast, Nissan Việt Nam và một số DN xe thương mại nhỏ. Riêng TC Motor có doanh số bán 10 tháng đầu năm 2019 đạt 63.210 chiếc các loại.
Căn cứ vào số liệu trên, cộng cả doanh số bán của các DN xe thương mại không thuộc VAMA, 10 tháng qua ước tính có 240.000 chiếc xe sản xuất lắp ráp trong nước được tiêu thụ, lượng xe chưa tiêu thụ còn khoảng 40.000 chiếc các loại.
Với xe nhập khẩu, lượng xe chưa tiêu thụ khoảng 15.000 chiếc. Tính chung cả thị trường ô tô, còn hơn 50.000 xe chưa tiêu thụ, tương đương với 2 tháng bán hàng.
Nhiều mẫu xe có lượng tồn kho lớn thời gian qua đã phải giảm giá mạnh. Chẳng hạn như phân khúc SUV 7 chỗ, mẫu Chevrolet Trailblazer giảm 100 triệu đồng, Nissan Tera giảm từ 80-210 triệu đồng, Toyota Fortuner giảm từ 70-100 triệu đồng, Ford Everrest giảm 70-90 triệu đồng,...
Với phân khúc hạng B, Mazda2 giảm 70 triệu đồng, Vios giảm 40-60 triệu đồng, Honda City giảm 30-50 triệu đồng,... Dòng Crossover, Mazda CX-5 giảm giá 50 triệu đồng, Nissan X-Trail giảm 80 triệu đồng, Honda CR-V giảm 25 triệu đồng.
Với phân khúc xe sang, xe tồn kho cũng đại hạ giá. BMW X5 bản xDrive40i xLine giảm giá 100 triệu đồng, BMW 320i thế hệ cũ giảm 275 triệu đồng, BMW 520i giảm 230 triệu đồng, BMW 530i giảm 150 triệu đồng.
Mercedes-Benz không giảm trực tiếp vào giá xe nhưng áp dụng ưu đãi như tặng tiền mặt và phụ kiện trị giá 150 triệu đồng kèm quà tặng... tính ra giảm khoảng 200 triệu đồng. Audi Việt Nam cũng hỗ trợ lệ phí trước bạ hai mẫu xe SUV Q5 và Q7 với số tiền mặt tương ứng lên đến 200-300 triệu đồng.
Theo tính toán của các DN, từ đầu năm 2019 đến nay, giá ô tô trên thị trường đã giảm từ 5-15% tùy mẫu xe.
Những mẫu nào giá càng giảm mạnh chứng tỏ hàng tồn kho còn nhiều, cần giải phóng để tránh thêm thiệt hại. Một số DN cho hay họ vẫn còn tồn xe sản xuất từ cuối năm 2018 và đầu 2019. Vì vậy, cuối năm tiếp tục đại hạ giá để đón xe mới.
Tiếp tục đại hạ giá?
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho hay, hiện lượng xe tồn kho của các DN khá lớn. Tình trạng này có nguyên nhân từ dự báo sức tiêu thụ năm 2019 của các hãng đưa ra hồi đầu năm lạc quan hơn thực tế. "Chúng tôi từng dự kiến tăng trưởng năm nay của thị trường xe phải đạt 30%, nhưng đến thời điểm này, mức tăng thực tế chỉ đạt 15-17%".
Giá xe dự kiến còn giảm mạnh, người tiêu dùng chờ thời cơ vàng để mua xe.
Theo dự báo của các DN, cả năm 2019, lượng ô tô nhập khẩu sẽ đạt gần 150.000 chiếc, xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 330.000 chiếc các loại; trong khi tiêu thụ khoảng 420.000 chiếc dẫn đến dư thừa tổng cộng khoảng 50.000 chiếc.
Bước sang 2020, nguồn cung sẽ dồi dào hơn. Một số nguồn tin cho biết Nghị định 116 đang được sửa đổi theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2020.
Như vậy, việc nhập khẩu ô tô sẽ thông thoáng hơn. Hiện tại phải mất 45 ngày một lô xe nhập về mới xong thủ tục thì với quy định mới giảm chỉ còn 7 ngày. Xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ về nước nhanh hơn và nhiều hơn.
Với sản xuất lắp ráp trong nước, công suất sẽ tiếp tục tăng lên. Công ty ô tô Trường Hải vừa hoàn tất mở rộng, nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm.
TC Motor cho biết đang đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới, công suất 100.000 xe/năm, hoàn thành vào 2020.
Ford Việt Nam cũng cho biết đầu 2020 sẽ mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay và mỗi năm sẽ cho ra 1 sản phẩm mới lắp ráp tại đây.
Còn VinFast sau một thời gian đi vào hoạt động đã tăng công suất, cho ra thị trường những sản phẩm mới vào đầu năm 2020.
Các DN dự báo nhu cầu về ô tô sẽ tăng trên 20% trong năm 2020. Tuy nhiên, giá xe sẽ không tăng, ngược lại vẫn có thể giảm.
DN ô tô trong nước đang chờ những chính sách ưu đãi lớn sẽ ban hành trong năm 2020 như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước, thuế thu nhập DN...
Nếu các chính sách này được ban hành, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm giá, đấu với xe nhập và xe nhập khẩu cũng phải có chính sách giá tốt để đấu lại.