Tội về hóa đơn, nhiều quy định không còn phù hợp

(ĐTCK) Việc xử lý các tội phạm liên quan đến in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn áp dụng.
Nhiều quy định pháp luật về sử dụng, bảo quản hóa đơn không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin

Căn cứ xử lý không còn phù hợp

BLHS quy định 2 tội danh liên quan đến hóa đơn, chứng từ là tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a) và tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164b).

Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2013 (thay thế Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BCA-TANDTC-VKSTC-BTP ngày 23/11/2004) đã hướng dẫn những quy định về hành vi phạm tội; căn cứ xác định hậu quả thiệt hại cũng như xác định chủ thể của tội phạm này.

Liên quan đến việc xử lý nhóm tội danh về hóa đơn, chứng từ nêu trên, hiện có 3 câu hỏi đặt ra xuất phát từ thực tiễn xử lý.

Thứ nhất, về Điều 164a BLHS. Điều 2 Thông tư 10 hướng dẫn xác định hậu quả thiệt hại được coi là lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn là căn cứ vào: số lượng hóa đơn chứng từ (dạng phôi - chưa ghi giá trị) và đã ghi nội dung; thu lợi bất chính lớn (từ 100 triệu đồng trở lên).

Hiện có hơn 500.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, bình quân 200 người dân/1 DN (96 - 97% là DN nhỏ và siêu nhỏ), trong khi ở các nền kinh tế phát triển là 15 - 20 người/1 DN. Để phấn đấu có 2 - 5 triệu DN trong 10 - 15 năm tới (2020 - 2030), ngoài cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch thông tin…, thì cộng đồng DN còn mong muốn sửa đổi, bãi bỏ một số quy định bất hợp lý, nhất là việc xử lý hình sự với một số tội danh về kinh tế như: thay thế tội danh hiện nay là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng việc cụ thể hóa từng tội phạm cụ thể trong chương về kinh tế; quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hay cụ thể hóa việc xác định hậu quả thiệt hại bằng tiền (nhóm tội danh về hóa đơn, chứng từ); bỏ tội danh về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước…

Hóa đơn dạng phôi tức là hóa đơn chưa ghi giá trị, chưa được xem là gây hậu quả thiệt hại (hiện chi phí để in một quyển hóa đơn 50 số vào khoảng 200.000 đồng) trong thực tế, thì tại sao lại cần phải xử lý hình sự, khi đã có quy định xử lý hành chính về vấn đề này? Nếu hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng giá trị chỉ là 100.000 đồng/hóa đơn, gây thiệt hại từ 1 - 3 triệu đồng (được coi là lớn), hoặc trên 3 triệu đồng (được coi là rất lớn, đặc biệt lớn) để xử lý hình sự (phạt tù từ 1 - 5 năm) thì có quá nặng không? 

Thứ hai, về Điều 164b BLHS. Hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 10 về hành vi vi phạm hiện không còn phù hợp khi hầu hết các DN đều thực hiện kê khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, chứng từ qua mạng bằng phần mềm kê khai thuế theo yêu cầu của Tổng cục Thuế.

Do vậy, việc xử lý hình sự với hành vi “không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác tình hình sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng hóa đơn” là quá nặng với chủ thể của loại tội phạm này, hay nói khác đi là “hình sự hóa” vấn đề trong khi đã có các quy định về xử phạt hành chính của cơ quan thuế đối với DN vi phạm.

Tương tự, DN hiện được phép sử dụng hóa đơn điện tử khiến cho việc xác định dấu hiệu hành vi “lưu trữ, bảo quản hóa đơn không đúng quy định; làm hư hỏng, mất hóa đơn; thực hiện hủy hóa đơn không theo đúng quy định của pháp luật; xử lý việc mất, cháy, hỏng hóa đơn không theo đúng quy định của pháp luật” không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin về cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế, cũng như khó xác định lỗi vi phạm thuộc về lỗi kỹ thuật, máy tính, truyền dữ liệu hay là lỗi cá nhân người khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý.

Thứ ba, BLHS hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người phạm tội. Vì thế, trong thực tế của nhóm tội phạm về hóa đơn, nhất là Điều 164a, khi hành vi được thực hiện (mua bán hóa đơn, chứng từ) vì lợi ích DN, nhân danh DN, hoặc được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành, hay chấp thuận của DN, chứ người thực hiện (giám đốc, kế toán trưởng…) không tư lợi, thì cá nhân đó vẫn bị xử lý hình sự, còn DN không phải chịu trách nhiệm. 

… căn cứ xác định hậu quả thiệt hại cũng vậy

Thực tiễn xử lý loại tội phạm liên quan đến hóa đơn trong thời gian qua cho thấy một số bất cập, được nhìn nhận cả từ phía cơ quan thuế, người vi phạm và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Với cơ quan thuế, đó là tình trạng thất thu thuế khi DN bán hàng không xuất hóa đơn VAT cho người tiêu dùng, hoặc DN hợp thức hóa các khoản chi phí bằng việc mua bán trái phép các hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, để xử lý, cơ quan thuế địa phương gặp không ít khó khăn vì thủ tục kiểm tra phức tạp và mức xử phạt thấp (muốn kiểm tra, cơ quan thuế phải thông báo cho DN biết trước 3 ngày, mà mức xử phạt lại thấp; khi phát hiện DN bán hàng không xuất hoá đơn kịp thời, nếu phạt cũng chỉ 10 triệu đồng, còn nếu không xuất hoá đơn thì có thể bị phạt về hành vi trốn thuế, nhưng mức phạt chỉ bằng 3 lần số tiền thuế trên số hàng bán không xuất hoá đơn)…

Do vậy, một số cục thuế thực hiện giải pháp tình thế là công bố danh sách những DN vi phạm, hoặc hóa đơn không có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ tác động tới một phía là người/DN bán hàng, nên không mang lại hiệu quả lâu dài, mà cần tác động tới cả phía người mua.

Trong thực tế, không chỉ các siêu thị, mà hầu hết DN kinh doanh có bán hàng trực tiếp cho các cá nhân không có nhu cầu lấy hoá đơn thì đều không xuất hoá đơn và đa số người mua hàng trong trường hợp này cũng không yêu cầu xuất hoá đơn. Đây là một kẽ hở rất lớn, cơ quan thuế không thể quản lý được và Nhà nước sẽ thất thoát thuế.

Ngoài ra, có nhiều siêu thị chỉ được phép bán buôn, nhưng khách hàng mua lẻ, siêu thị vẫn bán hàng. Khi thanh toán, nếu khách hàng không có mã số thuế thì siêu thị hợp thức hóa bằng việc lấy mã số thuế của một khách hàng khác để xuất hóa đơn VAT giao cho khách hàng mua lẻ. Như vậy, DN bán được hàng, Nhà nước thu được thuế VAT, nhưng phía người người mua trên hóa đơn VAT không mua hàng hóa thật (bị mượn tên) thì hành vi hợp thức hóa nêu trên có vi phạm pháp luật hình sự hay không?

Tương tự là trường hợp DN giao bán hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng có chiết khấu cho khách hàng bằng tiền mặt, nhưng hóa đơn VAT vẫn ghi đủ số tiền thì có thuộc hành vi “mua, bán hoá đơn ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định” hay không?

Với đối tượng bị xử lý về tội phạm hóa đơn, chứng từ, do BLHS hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, nên có tình trạng mua bán hóa đơn, chứng từ vì lợi ích DN, có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của DN, chứ thực tế người thực hiện không tư lợi, nhưng cá nhân đó vẫn bị xử lý hình sự.

Đáng chú ý, quy định về hậu quả thiệt hại tại Điều 164a, 164b BLHS và được giải thích bằng Thông tư 10 đang có những bất cập về mặt thực tiễn khi Điều 2 Thông tư xác định hậu quả thiệt hại (số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn) theo 2 cách: một là, theo số lượng phôi hóa đơn (chưa ghi giá trị và đã ghi giá trị); hai là, thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước (tính bằng triệu đồng).

Trong đó, quy định hậu quả thiệt hại tính theo số lượng phôi hóa đơn là gây nhiều tranh cãi nhất, bởi lẽ không thể xác định được hậu quả thiệt hại thực tế khi phôi hóa đơn chưa ghi giá trị, dù Thông tư quy định “từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn”.

Đối với số hóa đơn đã ghi nội dung, Thông tư quy định “hóa đơn ghi từ 10 - 30 số được coi là lớn, từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn”, nhưng giá trị mỗi hóa đơn thấp (ví dụ, mỗi hóa đơn bán lẻ chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng) mà mang ra xử lý hình sự thì liệu có quá khắt khe không, khi mà đây là tội có khung hình phạt từ 1 - 5 năm tù?

Mặt khác, không thể xác định chính xác hậu quả thiệt hại khi có đồng thời cả 2 cách nêu trên. Chưa kể, về nguyên tắc, mua bán phôi hóa đơn (chưa ghi giá trị) trên thực tế chưa gây thiệt hại thì nên áp dụng xử lý bằng biện pháp hành chính (phạt tiền và tiêu hủy). Việc này cũng tránh được tình trạng lạm dụng hay hình sự hóa vấn đề của các cơ quan tiến hành tố tụng. 

Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, việc xử lý đối với tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164b BLHS) là quá nặng và không còn phù hợp, thay vào đó, nên áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Hiện luật pháp về thuế cho phép DN dùng 1 trong 3 loại hóa đơn là hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in và hóa đơn điện tử.

Chính việc DN sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích (giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh; rút ngắn thời gian thanh toán do việc lập, gửi/nhận hoá đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử; góp phần hiện đại hóa công tác quản trị DN) đã làm cho quy định về việc xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164b BLHS) không còn phù hợp với thực tiễn.

Với cơ quan tiến hành tố tụng, tội phạm về hóa đơn, chứng từ là một trong những loại tội phạm mà cơ quan này phải mất nhiều thời gian, công sức để theo dõi, xác minh, thực hiện các hoạt động tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trong khi các cơ quan này đang phải căng mình ra giải quyết các loại án khác.

Quy định tại BLHS hiện hành vô hình trung tạo thêm việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, trong khi việc kiểm tra vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, chống thất thu thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp. Chỉ khi vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự ở mức độ nghiêm trọng thì mới nên chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng để tiến hành các biện pháp tố tụng cần thiết.      

Trần Đoàn Hạnh - Lê Minh (Công ty Luật Lê Minh)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục