Tội phạm công nghệ cao bùng phát trở lại

Loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Internet đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, tinh vi.
Tội phạm đánh bạc, trong đó có đánh bạc qua mạng, chiếm 14% tổng số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật trong tháng 5/2019.

Từ hàng loạt vụ đánh bạc qua mạng

Sau khi vụ đánh bạc qua mạng Rickvip bị triệt phá trong năm 2018, hoạt động phạm tội này tạm lắng một thời gian, nhưng sang đầu năm 2019 bắt đầu bùng phát trở lại với quy mô lớn hơn, phức tạp hơn.

Vừa qua, Bộ Công an đã triệt phá đường dây đánh bạc qua trang web Fxx88.com, khám xét khẩn cấp, triệu tập các đối tượng tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc đối với 24 đối tượng. Theo thống kê của cơ quan điều tra, số tiền cá cược cho đến khi bị phát hiện lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc sử dụng công nghệ do Phạm Công Bằng (29 tuổi, quê Thái Bình) cùng 3 đồng phạm khác thuê nhà ở TP. Thái Bình để điều hành đường dây, tổ chức đánh bạc trên cả nước. Bước đầu xác định, tổng số tiền các “con bạc” giao dịch đánh bạc là trên 2.000 tỷ đồng, liên quan đến 113 đại lý của đường dây này trên nhiều tỉnh, thành phố.

Công an tỉnh Hải Dương cũng vừa triệt phá đường dây đánh bạc qua website và ứng dụng manvip.club với tổng số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng; cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can.

Ngoài ra, tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… cơ quan điều tra cũng đã triệt phá, bắt giữ nhiều vụ án cùng tội danh đánh bạc qua mạng, trong đó có vụ án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do 3 đối tượng người Hàn Quốc núp dưới vỏ bọc nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch, nhưng thực chất là để tổ chức đánh bạc cho công dân Hàn Quốc.

Ba đối tượng đã thuê server, đăng ký tên miền của nước ngoài, mua phương tiện, thuê nhà tại Việt Nam để tổ chức thiết lập, quản trị website cho công dân Hàn Quốc đánh bạc, cá cược thể thao trên Internet. Từ tháng 11/2018 đến nay, với hàng ngàn tài khoản tham gia, số tiền các đối tượng dùng để đánh bạc vào khoảng 8,6 tỷ won…

Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, “Thời gian gần đây, Bộ Công an đang chỉ đạo triệt phá mạnh các hoạt động cá độ bóng đá, cờ bạc qua mạng... Hiện nay, khoảng 30 nhà mạng với hàng trăm trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài đang tổ chức đánh bạc, cá độ tại Việt Nam với nhiều hình thức. Ước tính, hàng triệu USD chảy ra nước ngoài qua việc đánh bạc này”.

Đến lừa đảo qua Internet

Nếu như các vụ phạm tội đánh bạc qua mạng có số tiền phạm tội lớn nhất trong tội phạm mạng, thì nhóm phạm tội lừa đảo qua Internet có số lượng vụ án nhiều nhất và nhiều nạn nhân nhất.

Tại Hà Nội, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP. Hà Nội đã nhận được đơn thư tố giác từ 18 nạn nhân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông, giả danh công an, cán bộ tòa án để dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm giữ.

Tại nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Ninh… cũng xuất hiện các vụ lừa đảo với phương thức phạm tội tương tự.

Ngoài 2 hình thức phổ biến nêu trên, tội phạm công nghệ cao còn tấn công mạng, phát tán virus, phần mềm gián điệp; sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái phép lên mạng; điều khiển bí mật, bất hợp pháp máy tính, mạng máy tính; tấn công trang web, tìm kiếm, sử dụng thông tin thẻ tín dụng để mua bán phần mềm; rao tin bán bằng cấp, giấy tờ, chứng chỉ giả trên mạng… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, có những hành vi tội phạm công nghệ cao lần đầu xuất hiện như lập website để tổ chức huy động vốn, trả lãi suất cao, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tấn công ví điện tử lấy tiền của khách hàng…

Phòng chống bằng cách nào?

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hàng loạt thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam trong đối phó với tội phạm công nghệ cao như tính xuyên biên giới; sự tuân thủ đảm bảo an ninh mạng của người dân và doanh nghiệp còn thấp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, trang thiết bị của lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tại các địa phương còn nhiều hạn chế…

Báo cáo Quốc hội trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm cho biết, từ năm 2018 và quý I/2019, Bộ Công an đã khởi tố 499 vụ án hình sự, 876 bị can, xử lý hành chính 187 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, loại tội phạm này có diễn biến phức tạp, hoạt động xuyên biên giới, có tính nặc danh cao nên “rất khó phát hiện và đấu tranh”.

Để phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này, ông Lê Đình Đại (Học viện An ninh nhân dân) cho rằng, các bên có liên quan cần xây dựng những quy chế phối hợp cụ thể. Ví dụ, ngân hàng cần chủ động hơn trong việc thông báo cho cơ quan công an về các hình thức gian lận, giả mạo, xâm nhập, tấn công cũng như những dấu hiệu nghi vấn gian lận, giả mạo trong các hoạt động tại ngân hàng; cung cấp các hồ sơ thông tin cần thiết theo đề nghị của cơ quan công an; phối hợp thực hiện nguyên tắc trao đổi thông tin; hướng dẫn người bị hại trình báo đến cơ quan pháp luật để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Về phía lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm mạng, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần phải chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường xử phạt nghiêm minh hơn nữa để mang tính răn đe.

Đối với người dân, việc chủ động phòng chống tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav nhấn mạnh, các cá nhân phải có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng cách bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.

“Đây là những điều tưởng đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên chủ động phòng tránh, hạn chế cho người lạ sử dụng điện thoại của mình, vì có thể bị cài đặt các phần mềm độc hại. Người dùng nên cài đặt phần mềm từ những kho ứng dụng chính thống. Bên cạnh đó, do các mã độc, phần mềm gián điệp không thể nhận biết bằng mắt thường, nên cần phải dùng phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để phòng tránh”, ông Tuấn Anh nói.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục