Tới năm 2025, 60% đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ là ở châu Á

(ĐTCK) Nhân chuyến công tác đến Việt Nam, ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có buổi họp mặt và trao đổi với một số phóng viên báo chí về báo cáo quan trọng mới được ADB công bố với nhan đề "Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở hạ tầng của Châu Á - Meeting Asia's Infrastructure Needs”. 
Tới năm 2025, 60% đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ là ở châu Á

Báo cáo chủ yếu bao quát các nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp nước và vệ sinh, những lĩnh vực then chốt cho phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Báo cáo của ADB cho biết, cơ sở hạ tầng của khu vực đã được cải thiện nhanh chóng, nhưng vẫn chưa đủ.

Châu Á đang phát triển đã chứng kiến những thay đổi ngoạn mục trong mạng lưới giao thông, năng lực phát điện, cơ sở hạ tầng viễn thông và nước, bên cạnh những cải tiến khác. Tiếp cận tốt hơn tới cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn 400 triệu người dân châu Á chưa có điện; khoảng 300 triệu người không được tiếp cận nước an toàn và 1,5 tỷ người thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản. Chất lượng yếu kém vẫn là một vấn đề.

Tại rất nhiều quốc gia, tình trạng thiếu điện đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Và chỉ riêng tắc đường tại các thành phố cũng đã tiêu tốn chi phí rất lớn cho nền kinh tế mỗi ngày do mất năng suất, lãng phí nhiên liệu và căng thẳng gây ra cho con người.

Tới năm 2025, 60% đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ là ở châu Á ảnh 1

Báo cáo quan trọng mới được ADB công bố với nhan đề "Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở hạ tầng của Châu Á - Meeting Asia's Infrastructure Needs”.  

Theo ADB, châu Á đang phát triển sẽ cần đầu tư 26 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016 tới 2030, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, nếu khu vực muốn duy trì đà tăng trưởng, xóa nghèo, và ứng phó với biến đổi khí hậu (số liệu ước tính đã điều chỉnh để gồm cả biến đổi khí hậu).

Nếu không tính chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu vốn sẽ là 22,6 nghìn tỷ USD, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm (ước tính dữ liệu cơ sở).

Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2030, lĩnh vực năng lượng chiếm 14,7 nghìn tỷ USD và giao thông chiếm 8,4 nghìn tỷ USD. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỷ USD trong cả giai đoạn.

Hiện tại, mỗi năm khu vực này đang đầu tư khoảng 881 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng (đối với 25 nền kinh tế có số liệu đầy đủ, bao gồm 96% dân số khu vực).

Khoảng thiếu hụt đầu tư cho cơ sở hạ tầng - chênh lệch giữa nhu cầu đầu tư và mức đầu tư hiện thời - tương đương 2,4% GDP dự kiến cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 nếu tính cả các chi phí giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Nếu không kể Trung Quốc, mức thiếu hụt đối với các nền kinh tế còn lại sẽ cao hơn đáng kể, chiếm 5% GDP dự kiến. Những cải cách tài chính công có thể tạo ra nguồn thu bổ sung tương đương 2% GDP để bù đắp khoảng 40% số thiếu hụt cho các nền kinh tế này.

Để khu vực tư nhân có thể lấp đầy khoảng trống 60% còn lại, tương đương 3% GDP, sẽ cần phải tăng đầu tư từ khoảng 63 nghìn tỷ USD hiện thời lên tới 250 nghìn tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020.

ADB cũng khuyến nghị, những cải cách về thể chế và quy định là cần thiết để giúp cơ sở hạ tầng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư tư nhân và tạo ra một danh mục các dự án hợp tác công - tư (PPP) khả thi để đầu tư. Các nước nên triển khai những cải cách liên quan tới PPP, ví dụ như ban hành các luật về PPP, hợp lý hóa quy trình mua sắm đấu thầu trong PPP, giới thiệu các cơ chế giải quyết tranh chấp, và thành lập các cơ quan độc lập về PPP của chính phủ. Cũng cần tăng cường các thị trường vốn để giúp hướng luồng tiền tiết kiệm đáng kể của khu vực vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng tạo ra hiệu quả.

Biến đổi khí hậu gây tổn thất trung bình hằng năm lên tới 73 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các tài sản khác của khu vực trong 10 năm qua.

Ông Bambang Susantono nói trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á, việc cập nhật nhu cầu về cơ sở hạ tầng của Châu Á là một mệnh lệnh. Tuy nhiên, các yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng - về mặt số lượng, chất lượng và tài trợ - cần được đánh giá lại thường xuyên. Tới năm 2025, nhiều khả năng 60% đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ là ở châu Á. Sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung để bảo đảm cơ sở hạ tầng công mang lại những lợi ích dự kiến trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

“Những tác động này đã gây tổn thất trung bình hằng năm lên tới 73 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các tài sản khác của khu vực trong 10 năm qua. Các ngân hàng phát triển sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tài trợ cho cơ sở hạ tầng”, ông Bambang Susantono nhấn mạnh.

ADB cũng thông tin thêm, các ngân hàng đa phương (MDB) ước tính đã hỗ trợ 2,5% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại Châu Á đang phát triển. Nếu không tính Trung Quốc và Ấn Độ, phần đóng góp của các ngân hàng đa phương tăng lên khoảng hơn 10%. Một tỷ lệ ngày càng cao vốn tài trợ của ADB hiện đang dành cho các dự án cơ sở hạ tầng của khu vực tư nhân.

Bên cạnh tài trợ, ADB cũng đóng vai trò quan trọng ở châu Á thông qua chia sẻ tri thức và kinh nghiệm chuyên môn để xác định, thiết kế và triển khai các dự án tốt. ADB đang gia tăng qui mô hoạt động, tích hợp nhiều hơn nữa công nghệ sạch và tiên tiến vào trong các dự án, và hợp lý hóa các thủ tục. ADB cũng sẽ thúc đẩy các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, cũng như những cải cách về thể chế và quy định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục