“Tôi đã yêu một ngành mới là chứng khoán”

(ĐTCK) Yêu thích một lĩnh vực mới mẻ là cơ duyên đưa bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đến với TTCK, tham gia xây dựng thị trường từ những ngày đầu. Nhân dịp 15 kỷ niệm phiên giao dịch đầu tiên của TTCK, bà Tâm đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán những kỷ niệm vui buồn gắn với sự nghiệp của mình.
Nụ cười rạng rỡ của những người đã gắn bó với TTCK Việt Nam từ ngày đầu sơ khai ấy
(Từ trái sang: Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCK; ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch SACOM; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE và bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đố Nụ cười rạng rỡ của những người đã gắn bó với TTCK Việt Nam từ ngày đầu sơ khai ấy (Từ trái sang: Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCK; ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch SACOM; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE và bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đố

Đến với TTCK nhờ cơ duyên

Tôi đến với ngành chứng khoán không phải theo sự phân công, mà nhờ một chữ “duyên”. Năm 1997, tôi hoàn thành chương trình cao học quản trị kinh doanh tại Úc trở về nước, nghe tin TTCK Việt Nam đang được nghiên cứu để thành lập, tôi quyết định xin vào làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Thời điểm đó, gia đình đã chuyển vào Nam nên tôi về làm việc tại Văn phòng đại diện Ủy ban tại TP. HCM. Khi học tại Úc, tôi đã được biết đến TTCK, có những người bạn làm ngành đó và hiểu rằng tại Việt Nam, chứng khoán là ngành hoàn toàn mới và tôi ưa thích khám phá những điều mới mẻ, thách thức như vậy.

Cùng các đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu các quy định pháp luật về TTCK của nhiều nước trên thế giới để xây dựng Nghị định đầu tiên về TTCK, tôi được giao nhiệm vụ dịch các quy định khung pháp lý của các thị trường để làm tài liệu tham khảo.

Cùng với anh Năng, anh Tuấn Anh, chị Trang (những cán bộ của UBCK hiện nay), chúng tôi đã dịch một số tài liệu được coi như là cuốn sách giáo khoa về TTCK trong buổi ban đầu.

Sau thời gian chuẩn bị, cả nhóm chuyên viên của Văn phòng UBCK khi đó chuyển sang làm việc tại Trung tâm GDCK TP. HCM. Từ đó, tôi chứng kiến tất cả những thời khắc quan trọng trong lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam, cũng như của HOSE. Nhiều sự kiện cho đến bây giờ vẫn nhớ như in!

Việc chuẩn bị cho phiên giao dịch đầu tiên (28/7/2000) rất háo hức, hồi hộp, với bộn bề công việc, từ chuẩn bị hệ thống giao dịch, xác định giá tham chiếu.

Buổi tối trước khi diễn ra phiên giao dịch đầu tiên, là Trưởng phòng giám sát thị trường, tôi được triệu tập tại tòa nhà B của Trung tâm cùng các lãnh đạo như chú Châu, anh Bằng, anh Sinh, anh Trà cùng một số thành viên thị trường để rà soát lại toàn bộ công việc chuẩn bị, trong đó có một việc quan trọng là xác định giá tham chiếu cho 2 cổ phiếu niêm yết đầu tiên là REE và SAM.

Cuộc họp hôm đó giống như cuộc họp của ban tổng chỉ huy trước một trận chiến, kéo dài đến khuya. Đó là những thời khắc rất xúc động, khó lặp lại trong đời. 

Buồn vui cùng thị trường

Nhìn lại giai đoạn 2000 - 2002, chứng khoán còn là một ngành ít người biết đến. Khi thị trường giao dịch kém thanh khoản, mọi người phải vắt óc để khơi dậy sức sống, tổ chức nhiều sự kiện như Tuần lễ chứng khoán, các buổi gặp mặt với nhà đầu tư… để vực thị trường lên.

Giai đoạn 2004 - 2005, các cán bộ của HOSE chia nhau đi về các tỉnh vận động các DN cổ phần hóa lên niêm yết. Có DN hào hứng, trân trọng tiếp đón, nhưng có những DN “mặc cả” là nếu họ lên niêm yết thì được lợi gì? Tôi nhớ một DN ở Bình Phước nhất quyết từ chối niêm yết vì vị lãnh đạo cho rằng, họ không cần huy động vốn, quy mô phát triển của công ty như thế là phù hợp rồi. Nhưng đến khi TTCK bùng nổ, chỉ một năm sau đó, chính DN với ông giám đốc đó cũng theo chân các DN khác bằng mọi giá chen chân lên sàn. 

Khi thị trường thực sự bùng nổ là thời điểm Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO (2006) cùng với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, chính sách miễn giảm thuế 2 năm cho DN niêm yết sắp hết hiệu lực. Giai đoạn này, tôi là Trưởng ban đấu giá tại HOSE, tổ chức thực hiện và chứng kiến những phiên đấu giá có thể nói là đi vào lịch sử TTCK Việt Nam.

Đấu giá thời kỳ này là đấu giá một cấp, nhà đầu tư đến HOSE để đặt lệnh, nên mỗi khi đấu giá, rất đông nhà đầu tư kéo đến. Có thời điểm, khoảng 3.000 nhà đầu tư tập trung tại HOSE. Khi báo cáo tình hình đấu giá quá sôi động này cho bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, bà Hồng đã ngay lập tức chỉ đạo công an quận đến để đảm bảo an ninh tại Sở.

Thời gian này, công việc vô cùng bận. Có những phiên, chúng tôi và ban lãnh đạo DN cổ phần hóa phải ngồi lại với nhau ký mấy nghìn phiếu lệnh. Rồi còn phải giải quyết những phiếu lệnh không hợp lệ do nhà đầu tư lúc đó chưa có kinh nghiệm, mắc những lỗi không đáng có, chẳng hạn không ký tên lên phiếu lệnh, hoặc không ghi đầy đủ cả chữ lẫn số…

Có những phiên đấu giá, hoàn tất các thủ tục thì đã 12 giờ đêm, chúng tôi phải xử lý vô cùng mệt mỏi, nhưng vẫn thấy phấn khởi vì công việc rất chạy, thị trường phát triển, Nhà nước bán được cổ phần. 

Làm hết sức mình

Gắn bó với mảng việc giám sát thị trường từ những ngày khai trương, đầu năm 2001, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm, tôi tiếp tục phụ trách mảng giám sát thị trường cho đến khi giữ vị trí Tổng giám đốc HOSE, nhiệm vụ được chuyển giao cho người khác.

Lúc đầu, anh chị em bộ phận giám sát còn bỡ ngỡ thiếu kinh nghiệm, nhưng càng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong điều kiện thiếu các phần mềm chuyên biệt về giám sát có khả năng cảnh báo các giao dịch bất thường, công việc theo dõi số liệu chủ yếu thực hiện bằng Exel rất vất vả. Nhưng so với thời kỳ đầu, hành lang pháp lý về giám sát hoàn thiện hơn rất nhiều.

Ở tầm của Sở, quy trình nghiệp vụ, các bộ tiêu chí, tham số được xây dựng để lọc ra các giao dịch cần lưu ý, kiểm tra hoặc báo cáo Ủy ban để xử lý. Bộ phận IT của Sở cũng tự viết phần mềm hỗ trợ giám sát và hàng năm đều có nâng cấp bổ sung chức năng để anh em bộ phận giám sát đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ mang tính hỗ trợ. Nếu nhìn vào một mớ dữ liệu, hoặc biểu đồ mà không có kỹ năng thuyết minh thì những số liệu đó không có ý nghĩa. Sắp tới, thị trường còn cho phép cùng mua cùng bán một cổ phiếu trong phiên…, thì người giám sát viên phải rất kinh nghiệm mới nhận định được đâu là hành vi làm giá.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, tôi chỉ tâm niệm làm sao làm việc hết sức, trách nhiệm với công việc. Trước khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc, tôi phân vân vì là nữ giới, có những hạn chế nhất định trong lĩnh vực khá khắc nghiệt như chứng khoán. Nhưng nghĩ lại thì phụ nữ cũng có thế mạnh là sự mềm mỏng, kiên trì, dễ tập hợp và thuyết phục các đồng nghiệp hơn. Không ai cái gì cũng giỏi, có những nghiệp vụ, cấp dưới là chuyên gia, hỗ trợ cho người đứng đầu rất nhiều nên nguyên tắc làm việc của tôi là dân chủ và lắng nghe để tạo nên môi trường làm việc thoải mái, động viên sự sáng tạo của nhân viên.

Với nền tảng hơn 10 năm đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc thường trực hỗ trợ anh Trần Đắc Sinh trong công tác điều hành Sở nên việc xử lý và bao quát công việc, đối với tôi cũng không quá bỡ ngỡ. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của HĐQT, sự thống nhất trong định hướng và hành động của bộ máy lãnh đạo. Nói chung, tôi thấy may mắn vì được trên giúp đỡ, dưới ủng hộ và nhiều lúc cứ nghĩ, nếu không có sự chia sẻ đó thì áp lực trong công việc sẽ nặng nề biết nhường nào.

Nhiệm kỳ Tổng giám đốc của tôi cũng là giai đoạn Sở triển khai hoàn thành nhiều dự án lớn, nhất là việc hoàn thành trụ sở làm việc mới, hoàn thành trung tâm dự phòng rất lớn ở Công viên phần mềm Quang Trung, dự án công nghệ thông tin đã vượt qua chặng đường rất dài từ khi tôi là Phó giám đốc Trung tâm năm 2001 đến nay hơn 10 năm cũng sắp hoàn thành. HOSE đã rất tích cực đưa ra các sản phẩm mới như ETF, Bộ chỉ số HOSE-Index và đang nghiên cứu sản phẩm VNDR, Cover warrant…

Để TTCK phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, mà là nhiệm vụ của tổng thể các cơ quan liên quan. Hiện nay, những chính sách mới về chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, xử lý vi phạm thị trường, cổ phần hóa, niêm yết… ngày càng hoàn thiện. Nếu triển khai tốt những quy định đã đề ra, chắc chắn TTCK sẽ phát triển bền vững.

Tại HOSE, văn hóa làm việc chuyên nghiệp là một định hướng xuyên suốt và ngày càng được củng cố. Từ cơ sở vật chất hiện đại, đòi hỏi con người phải tuân thủ những quy định bắt buộc để làm việc hiệu quả. Từ nội quy đến văn hóa công sở, con người phải ngày một hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để đứng vững trong một thị trường bậc cao như TTCK.

Phan Thị Tường Tâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục