Đến và đầu tư đi!
Đập ngay mắt tôi khi bước chân vào Văn phòng Doanh nghiệp và Phát triển kinh tế của Thống đốc Bang California là những con số đậm “chất bán hàng”, in đẹp đẽ trên bìa các bộ tài liệu dành cho khách mời hay những tờ rơi, cuốn sách nhỏ trên kệ.
Nào là “10 lý do để đầu tư vào California”, “những thứ hạng của California”… Tất nhiên đó toàn là những con số hay thứ hạng rất tuyệt vời về California - tiểu bang lớn nhất nước Mỹ, nơi doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi nhất, nơi có nhiều công ty nhất trong Bảng xếp hạng Fortune 500 công ty Mỹ lớn nhất, nơi có hệ thống logistics thuận lợi nhất, có hệ thống giáo dục bậc cao và mức độ sẵn sàng của lao động tốt nhất, bang có thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng các thành phố tốt nhất cho doanh nghiệp nhỏ… Toàn là những con số hay ho.
Tất nhiên, không thấy những thông tin về giá nhà cao ngất ngưởng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hay có luật lao động khắc nghiệt mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư tôi gặp trong chuyến làm việc ở đây phàn nàn.
Điều này cũng dễ hiểu khi nhắc đến cái tên viết tắt vô cùng ấn tượng của Văn phòng này GO-Biz (Hãy kinh doanh, đầu tư đi!), một cái tên đầy chủ động và thúc giục cho hoạt động đầu tư và doanh nghiệp.
GO-Biz do chính Thống đốc Edmund G. Brown thành lập, là cơ quan tập trung đầu mối toàn bộ các vấn đề liên quan đến đầu tư và phát triển kinh tế của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ này.
Bộ máy tổ chức của GO-Biz thể hiện được chính sách và định hướng của Bang. Văn phòng có 5 bộ phận chính. Đầu tiên là Ban Dịch vụ đầu tư (California Business Investment Services) chuyên tìm kiếm và vận động các nhà đầu tư tiềm năng, xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện tại mở rộng.
Thứ hai là Ban Quan hệ quốc tế và phát triển thương mại, nơi hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bang đẩy mạnh xuất khẩu, đối phó với các rào cản thương mại và các vấn đề khác về thương mại quốc tế.
Bộ phận thứ ba là Văn phòng Doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp được xác định rất quan trọng trong giải quyết việc làm của Bang.
Thứ tư là Bộ phận Đổi mới và tinh thần kinh doanh, tập trung vào các kế hoạch tham vọng và dài hạn hơn trong chiến lược phát triển của bang, trong đó có Chương trình California Innovation Hubs (gọi tắt là iHub), một chương trình tham vọng muốn biến California trở thành địa điểm đầu tư hàng đầu thế giới về công nghệ cao.
Cuối cùng là Bộ phận Hỗ trợ cấp phép, chuyên hỗ trợ nhà đầu tư trong xin cấp các loại giấy phép và hướng dẫn tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Đây là cơ quan tư vấn thúc đẩy, trung gian giữa cơ quan nhà nước các cấp và nhà đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua các rào cản hành chính với dịch vụ hoàn toàn miễn phí.
Có thể thấy một vòng đời của doanh nghiệp - từ khởi nghiệp, ý tưởng đầu tư đến hoạt động, từ ý tưởng tham vọng cho đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đều có mặt trong GO-Biz.
Điều quan trọng mà tôi thấy được ở Mỹ, tạo ra cơ chế, tạo động lực rất lớn, để các cấp chính quyền, từ cấp bang cho đến cấp thấp hơn cố gắng tối đa trong thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Tôi đã nhận thấy rõ điều này sau những cuộc gặp với các cơ quan nhà nước các cấp, các phòng thương mại, hiệp hội, các tổ chức xúc tiến, doanh nghiệp…
Tại các tiểu bang mà tôi đã ghé thăm như California, Texas hay North Carolina, các chính quyền đều đang cạnh tranh nhau rất khốc liệt để thu hút các nhà đầu tư mới đến với mình, hay để giữ chân các doanh nghiệp đang làm ăn. Mọi nơi, mọi cấp đều cố gắng thể hiện và khẳng định địa bàn mình là địa điểm làm ăn tốt nhất.
Thực ra, cách thức cạnh tranh của họ rất đơn giản, phát huy tốt nhất thế mạnh cạnh tranh của mình. Chẳng hạn, đối mặt với nguy cơ nhà đầu tư rời bỏ vì chi phí đầu tư cao, California đang chú trọng đến thế mạnh về chất lượng lao động ưu việt, hệ thống đào tạo cao cấp để giữ chân và thu hút thêm các nhà đầu tư công nghệ cao.
Trong khi đó, Texas, một bang đang phát triển có lợi thế về đất đai rẻ và chi phí lao động, sinh hoạt thấp thì luôn nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, có chi phí rẻ, hệ thống quy định thuận lợi cho kinh doanh nhất.
Thành phố nhỏ Raleight thuộc tiểu bang North Calorina lại cố gắng liên kết với hệ thống các trường đại học rất tốt của họ (như Đại học Duke, Đại học North Calorina…) để tạo ra hệ thống khởi nghiệp hiệu quả và thu hút được nhiều nhân tài để trở thành một trung tâm hấp dẫn đầu tư công nghệ cao….
Tựu trung lại, họ đều hướng tới chính sách thuận lợi hơn, dịch vụ ưu việt hơn, chăm sóc nhà đầu tư tốt hơn, nhà đầu tư kinh doanh thành công hơn… trên thế mạnh cạnh tranh của mình.
Tác giả (bên phải) và Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bang Texas
Hiệp sỹ đấu tranh cho tự do kinh doanh
Bà Leslie McBride, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ Đầu tư của Văn phòng GO-Biz mỉm cười khi tôi hỏi, các cơ quan nhà nước có dùng chỉ số GDP để đánh giá hiệu quả của Bang không?
Bà trả lời: “Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm, có bao nhiêu việc làm được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu mà thôi”, bà nói.
Theo bà Leslie McBride, đằng sau con số này nói lên tất cả về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh có thuận lợi hay không, thu ngân sách có đảm bảo hay không, vấn đề an sinh xã hội như thế nào, sức mua sẽ ra sao…
Ngẫm ra, điều này thật khác với hệ thống của Việt Nam khi hàng loạt con số chỉ tiêu được dự đoán, bàn thảo rộng rãi trên báo chí, khắp các diễn đàn, hội thảo như tỷ lệ tăng trưởng GDP của quốc gia, thậm chí chỉ số GDP của từng địa phương, con số tăng trưởng công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, dịch chuyển tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp…
Câu nói của bà Leslie McBride khiến tôi nhớ đến khẩu hiệu “Việc làm cho nước Mỹ và nghị trình phát triển” treo bên ngoài toà nhà lớn và cổ kính của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (US Chamber) tại Thủ đô Washington.
Để tạo thêm nhiều việc làm (theo thống kê của US Chamber thì hiện có đến 23 triệu người Mỹ đang thất nghiệp và có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng năm) thì việc kinh doanh phải thuận lợi. Do vậy, dưới khẩu hiệu này, US Chamber có một chiến lược lớn để vận động các cải cách mọi mặt về môi trường kinh doanh như về thuế; phát triển và mở rộng nguồn cung năng lượng; đào tạo, thu hút và đầu tư vào nguồn nhân lực; cải thiện chất lượng hạ tầng; tạo lập hệ thống tư pháp công bằng, hiệu quả (US Chamber có Bảng xếp hạng 50 bang hàng năm về tính tin cậy của hệ thống tư pháp từ đánh giá của doanh nghiệp), cải cách hệ thống quy định pháp luật… cho đến các cải cách hệ thống y tế. Mục tiêu quan trọng nhất của nghị trình này là bảo vệ được việc làm và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm.
Việc làm liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân và do vậy cũng là một “vũ khí” rất quan trọng của các phòng thương mại và hiệp hội doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Phòng Thương mại bang Califonia (CalChamber) qua rà soát khoảng 3.000 dự luật được chuẩn bị đệ trình, hàng năm công bố một danh sách các dự luật với tên gọi rất sốc: Danh sách Đạo luật phá hoại việc làm (jobs killer bills).
Danh sách này liệt kê các dự luật đang được các nghị sĩ bang trình ra cơ quan lập pháp của bang mà CalChamber đánh giá sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Trong danh sách CalChamber công bố năm 2012, thì có 32 dự luật được đánh giá là jobs killer, nên sau đó chỉ 6 trong số này được thông qua thành công tại nghị viện, 2 trong 6 tiếp tục bị Thống đốc bang phủ quyết. Như vậy, có đến 28 dự luật trong 32 dự luật vốn bị xem là jobs killer bị thất bại.
Năm 2013, CalChamber tự hào thông báo với các doanh nghiệp thành viên là đã thành công hơn khi ngăn chặn được 37 trên 38 dự luật jobs killer. CalChamber còn xây dựng hẳn một website nghĩa địa (The Graveyard) với hình những nấm mồ, trong đó liệt kê các dự luật thất bại này nhằm “khoe” thành tích với hội viên và ngăn ngừa việc trình lại.
Tôi đặc biệt ấn tượng với danh hiệu “nhà vô địch trong đấu tranh cho tự do kinh doanh” (champion for free enterprise) hay “người đấu tranh cho tự do kinh doanh” (fighter for free enterprise) mà Hiệp hội Doanh nghiệp Bang Texas dùng để phong tặng cho các nghị sỹ của bang Texas. Hiệp hội doanh nghiệp này đều đặn công bố một bảng thống kê dựa trên việc các nghị sĩ bỏ phiếu thông hay bác bỏ các đạo luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một cách thể hiện quan điểm của cộng đồng kinh doanh đối với từng nhà lập pháp của Bang Texas. Không có nhà chính trị nào có thể xem thường số cử tri quan trọng này.