Tốc độ tăng trưởng dư nợ giảm dần

(ĐTCK-online) Điều kiện cho vay tiêu dùng, nhất là với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đều được ngân hàng "siết" hơn so với 5 tháng đầu năm.

Đầu tư cho nền kinh tế tháng 7/2009 của toàn ngành ngân hàng tăng 2,75%, trong khi tháng 6 là trên 3% và tháng 5 trước đó có mức tăng trên 4%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm dần kể từ thời điểm tăng mạnh nhất vào tháng 4/2009, một phần do ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt mục tiêu tăng trưởng tín của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ đầu tháng 7/2009.

Trên thực tế, trong một tháng qua, các ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn trong cho vay. Đáng chú ý là với tín dụng cá nhân, các nhà băng không còn mạnh tay như hồi đầu năm, dẫn đến tốc độ tăng trưởng dư nợ được điều chỉnh dần từ mức 30% xuống còn trên 20%. Chẳng hạn, tại DongA Bank, 5 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt trên 30%, hoàn thành 100% kế hoạch đưa ra cho cả năm 2009. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối tháng 7, ngân hàng này cho biết, tốc độ tăng trưởng dư nợ chỉ còn cao hơn 20%.

Tại ACB, trong năm nay, dự kiến tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ cao hơn đến 70 - 80% so với năm trước và 5 tháng đầu năm, ngân hàng này cũng đạt mức tăng trưởng dư nợ ở mức tương đối, đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 5/2009. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7/2009, dư nợ tín dụng của Ngân hàng không tăng thêm nhiều, đạt 51.410 tỷ đồng. Trong gần một tháng qua, dư nợ hỗ trợ lãi suất và kể cả cho vay tiêu dùng tại ACB cũng được giải ngân thận trọng hơn so với 3 tháng trước. ACB cho rằng, dư nợ tín dụng của Ngân hàng hiện tại đang rất nhỏ về con số, rất thấp về tỷ lệ so với huy động.

Còn đối với Sacombank, nếu tăng trưởng tín dụng trong tháng 6/2009 cao hơn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng so với tháng 5 thì sang tháng 7, Ngân hàng chỉ giải ngân cao hơn 2.000 tỷ đồng so với tháng 6. Cụ thể, tính đến cuối tháng 5/2009, dư nợ cho vay đạt 44.806 tỷ đồng và đến cuối tháng 7 đạt 49.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn 50% trong năm nay (tức khoảng 55.000 tỷ đồng) thì Sacombank sắp hoàn thành.

Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng VND đến ngày 20/8 đạt trên 396.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,25% so với một tuần trước. Trong đó, dư nợ cho vay của nhóm NHTMNN và Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương là trên 273.663 tỷ đồng, giảm 595,74 tỷ đồng (tương đương giảm 0,21%); nhóm NHTMCP là trên 97.145 tỷ đồng, chỉ tăng 1.042,14 tỷ đồng (tương đương tăng 1,08%); nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là hơn 20.288 tỷ đồng, tăng 362,68 tỷ đồng (tương đương tăng 1,82%); công ty tài chính đạt trên 4.953 tỷ đồng, tăng hơn 202 tỷ đồng (tương đương tăng 4,26%) so với tuần trước.

Có thể nói, với chủ trương kiểm soát chặt tín dụng của NHNN kể từ khi hạ mục tiêu kiểm soát tăng trưởng từ 30% xuống còn 27%, các ngân hàng đều tỏ ra thận trọng. Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 18/2009/TT-NHNN về quy định chi tiết đối với việc cho vay của các ngân hàng thương mại đối với những khách hàng được mua, thuê nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, các ngân hàng chỉ được cấp hạn mức đối với những khách hàng này 70% giá trị căn nhà dành cho đối tượng mua, thuê nhà thu nhập thấp nếu trả một lần và 80% giá trị nhà ở thu nhập thấp theo thỏa thuận với chủ đầu tư trong trường hợp vay mua nhà trả góp hoặc thuê, mua nhà ở thu nhập thấp...

Hiện nay, các điều kiện cho vay tiêu dùng, nhất là với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đều được các ngân hàng "siết" hơn so với 5 tháng đầu năm. Song qua trao đổi với các chuyên gia kinh tế, với diễn biến của thị trường hiện nay và tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm thì việc kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 30% là hợp lý, không nhất thiết phải dưới 27%.         

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục