Tốc độ tăng tiền lương mạnh khiến Anh khó ghìm cương lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tiền lương của Vương quốc Anh tăng tốc bất ngờ, làm tăng thêm áp lực lạm phát và gián tiếp tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). 
Tốc độ tăng tiền lương mạnh khiến Anh khó ghìm cương lạm phát

Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết, tăng trưởng tiền lương của người dân Anh (không bao gồm tiền thưởng) đã tăng 6,6% trong ba tháng qua (tính đến tháng 2/2023) so với một năm trước. Tốc độ tăng thu nhập này nhanh hơn so với tốc độ ước tính của các nhà kinh tế là 6,2%. Trước đó, tiền lương bao gồm cả tiền thưởng tại Anh trong khoảng thời gian từ tháng 9-11/2022 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Các nhà hoạch định chính sách và Thống đốc BOE, ông Andrew Bailey đã kỳ vọng tăng trưởng tiền lương sẽ hạ nhiệt và lạm phát sẽ giảm bớt, nhưng có vẻ điều này đã không xảy ra. Hiện lạm phát tại Anh cao gấp 5 lần mức lạm phát mục tiêu 2% của BOE. Các số liệu này cho thấy có vẻ BOE sẽ không thể ngừng tăng lãi suất và chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong bốn thập kỷ vẫn sẽ tiếp tục.

Điều quan trọng là tăng trưởng tiền lương của khu vực tư nhân - một thước đo tiền lương quan trọng của BOE - vẫn ở mức trên 5%, đạt 5,4%. Đây là mức mà các nhà kinh tế cho rằng không phù hợp với việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Tỷ lệ tăng trưởng tiền lương của khu vực tư nhân (đường màu đỏ) có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nguồn: Bloomberg.

Tỷ lệ tăng trưởng tiền lương của khu vực tư nhân (đường màu đỏ) có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nguồn: Bloomberg.

Các nhà kinh tế và nhà đầu tư đang có những quan điểm khác nhau khi suy đoán về động thái tiếp theo của BOE. Hơn một nửa số nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg News cho rằng, lãi suất đã đạt đỉnh ở mức 4,25%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính lại dự đoán sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp của BOE vào thời gian tới. Dan Hanson và Ana Andrade của Bloomberg Economy dự báo, BOE sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 5 tới.

Có một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang nới lỏng, điều này có thể giảm bớt áp lực lên tiền lương trong những tháng tới. Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng từ 3,7% lên 3,8%. Ngoài ra, hiện có nhiều người quay trở lại thị trường việc làm hơn khi tỷ lệ người có việc làm tăng 0,2% so với ba tháng trước, ở mức 75,8%. Tỷ lệ người không đi làm trong độ tuổi lao động giảm 153.000 người, chủ yếu là do sinh viên quay trở lại làm việc.

Mặc dù tỷ lệ người quay trở lại làm việc đã tăng lên, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người không đi làm trong độ tuổi lao động vẫn nhiều hơn 422.000 người so với trước khi Covid xảy ra. Trong khi đó, các quốc gia khác trong nhóm G7 (7 nền kinh tế phát triển: Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Canada, Pháp, Ý) đều chứng kiến số lượng ​​việc làm tăng lên mức cao kỷ lục.

Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho biết, tỷ lệ làm việc tại nhà không được thống kê có thể ảnh hưởng đến các số liệu của thị trường lao động. Bà nói thêm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể là do tỷ lệ tự kinh doanh tăng, trong khi số lượng nhân viên toàn thời gian thực sự giảm.

Nhìn bề ngoài, thị trường lao động có vẻ vẫn rất căng thẳng, do tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,25% mà Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đánh giá là tỷ lệ cân bằng. Tuy nhiên, tỷ lệ những người không đi làm nhưng muốn có một công việc đã tăng lên 20,2% trong ba tháng tính đến tháng 2/2023, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 6/2021 và tỷ lệ này đã tăng lên từ mức từ 19,2% trong ba tháng tính đến tháng 11/2022.

Mặc dù vậy, có rất nhiều số liệu trong báo cáo việc làm lại làm tăng thêm mối lo ngại về lạm phát. Nền kinh tế vẫn đang tạo ra việc làm với tốc độ tốt, làm gia tăng tình trạng thiếu nhân viên khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng lương. Việc làm trong giai đoạn 3 tháng mới nhất đã tăng thêm 169.000 việc làm, nhiều hơn gấp 3 lần tốc độ mà các nhà kinh tế dự đoán.

Vị trí việc làm đang cần tuyển dụng giảm 47.000 việc nhưng vẫn ở ngưỡng cao trong lịch sử khi ở mức 1,1 triệu việc làm. Jane Gratton, người đứng đầu bộ phận chính sách con người tại Phòng Thương mại Anh cho biết, những công việc đang trống này là lực cản của tăng trưởng kinh doanh đối với các doanh nghiệp bởi nó khiến họ không thể hoàn thành các đơn đặt hàng và nhận thêm khách hàng mới. Tình trạng thiếu người chắc chắn cũng dẫn đến áp lực tăng nhu cầu tiền lương.

Việc tăng lương cũng sẽ khiến Thủ tướng Anh Rishi Sunak lo ngại, bởi ông là người đã kêu gọi hạn chế tăng tiền lương để giúp đáp ứng cam kết giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một nửa tại nước này vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết: “Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng giá cả tăng tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, đó là lý do tại sao giảm lạm phát xuống còn một nửa trong năm nay là một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của chúng tôi”.

Nước Anh vẫn đang phải đối mặt với đợt đình công lớn nhất trong ba thập kỷ khi những người lao động, từ tài xế tàu hỏa đến giáo viên, công chức, đồng loạt nghỉ việc để yêu cầu tăng lương theo kịp với lạm phát.

Số ngày công bị mất do đình công tại Anh tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Số ngày công bị mất do đình công tại Anh tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Có 348.000 ngày công bị mất vì các đợt đình công tại Anh trong tháng 2, tăng từ 210.000 ngày công của tháng trước. 3/5 số ngày công bị mất đó là của ngành giáo dục. Hơn 3 triệu ngày công đã bị mất kể từ tháng 6/2022 đến nay, mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng kể từ năm 1990.

Lương trong khu vực công tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, ít hơn so với con số 6,9% trong khu vực tư nhân. Khoảng cách giữa hai bên đang được thu hẹp khi chính phủ Anh đã tăng lương cho khu vực công với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2005 — ngoại trừ giai đoạn xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, nếu chiếu theo mức độ lạm phát hiện nay tại Anh thì mức lương cơ bản nói chung tại nước này đang giảm với tốc độ hàng năm là 2,3%.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục