Toàn cầu hóa doanh nghiệp Việt: Bản lĩnh người tiên phong

(ĐTCK) Viettel, Vietinbank, BIDV, FPT, Vinamilk... đã bước đi trên con đường toàn cầu hóa, với mong muốn tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Nhiều thành công được ghi nhận, song biển lớn thường không lặng sóng.
Toàn cầu hóa doanh nghiệp Việt: Bản lĩnh người tiên phong

Bản lĩnh tiên phong

Viettel với CEO mới được bổ nhiệm đầu năm 2014 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Trở thành 1 trong 20 công ty viễn thông và CNTT lớn nhất toàn cầu, 1 trong 10 công ty viễn thông lớn nhất về đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, đầu tư ra nước ngoài là một trong các lĩnh vực chính của Viettel, để thành một công ty toàn cầu. Đây là một động lực để Tập đoàn năm 2014 quyết tâm tăng trưởng 12 - 15%.

Hiện nay, Viettel đã có mặt tại nhiều nước châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi. Thần tốc chiếm lĩnh thị trường là chiến thuật dễ nhận thấy của tập đoàn này. Viettel đã xây dựng bộ hồ sơ mà nhiều người trong chính phủ Mozambique nói là “điên rồ” bởi các nhà khai thác đã đi trước Viettel 10 năm nhưng chưa làm được điều đó. Đơn cử, ngày 10/1/2011, Viettel được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Mozambique. Sau đó 1 năm, thương hiệu Movitel của Viettel đã chính thức khai trương. Tính tới nay, Movitel sở hữu mạng lưới cáp quang với tổng độ dài 24.000 km, chiếm 70% toàn bộ hạ tầng cáp quang của Mozambique; 2.900 trạm BTS, chiếm tới 50% tổng số trạm trên toàn quốc. Hiện, Movitel đã phủ sóng 80% lãnh thổ đất nước.

Sau Mozambique, Cameroon và tới đây sẽ là Burundi, Burkina Faso, Kenya, Tanzania, Swaziland và Bờ Biển Ngà.

Toàn cầu hóa là một trong những động lực tăng trưởng chính của FPT. Năm 2013, doanh thu toàn cầu hóa của Tập đoàn này đạt 2.607 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Hiện diện ở 17 nước và 5/7 công ty thành viên có doanh thu và vị thế mới từ toàn cầu hóa. Không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Singapore, FPT đã cung cấp dịch vụ Internet tại Cam-pu-chia, cung cấp dịch vụ tại Myanmar và mở shop bán lẻ tại Cam-pu-chia.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT chỉ ra rằng, thị trường toàn cầu rất rộng lớn, đơn cử Mỹ có quy mô thị trường dịch vụ CNTT dự kiến đạt 379 tỷ USD trong năm 2014; Singapore hơn 9,2 tỷ USD. FPT nhìn thấy và đang tận dụng cơ hội cung cấp các giải pháp CNTT mà tập đoàn này đang triển khai thành công cho các thị trường có trình độ phát triển tương đồng Việt Nam như Myanmar, Philippines, Indonesia, Bangladesh…

FPT đặt mục tiêu 350 - 400 triệu USD doanh thu năm 2016, trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực dịch vụ tin học tổng thể và ứng dụng chuyên ngành.

Một doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam đã và đang mạnh tay đầu tư ra nước ngoài là Vinamilk. Mới đây, Vinamilk thành lập công ty con tại Ba Lan với vốn điều lệ 3 triệu USD. Trước đó, Công ty đã rót vốn đầu tư vào Công ty Miraka Limited của New Zealand,  sở hữu 19,3% vốn của công ty này.

Tại Mỹ, Vinamilk góp 7 triệu USD và nắm giữ 70% vốn chủ sở hữu của Công ty Driftwood Dairy Holding Corporation. Tại Cam-pu-chia, Vinamilk đã liên kết với Công ty Angkor Dairy Products Company Limited xây dựng dự án Nhà máy chế biến các sản phẩm sữa nằm trong Đặc khu kinh tế Phnompenh…

Tuy thị trường trong nước vẫn có tốc độ phát triển 2 con số đối với các sản phẩm sữa, song cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất đã khiến VNM khó mở rộng được thị phần, thậm chí giữ được thị phần lớn là rất khó. Với chiến lược đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn mong giữ được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao, trên 30%.

Sóng cả

Đầu tư ra nước ngoài không đơn giản. Nhiều quy định hiện hành chưa khuyến khích doanh nghiệp, đơn cử Việt Nam chưa có quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Bởi vậy, các tập đoàn thường phải thông qua một pháp nhân khác hoặc lập liên doanh để đầu tư. Tương tự, những quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay rất chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục nếu muốn chuyển tiền ra nước ngoài… Lãnh đạo Tập đoàn Viettel, trong một cuộc đối thoại với Thường trực Chính phủ, đã đặt vấn đề này và kiến nghị cần sớm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư.

Không phải lúc nào việc đầu tư cũng thuận lợi, nhất là đối phó với các rào cản về thủ tục của nước sở tại. Đơn cử như Viettel đầu tư tại Cameroon, thời điểm khai trương mạng di động đã liên tục bị lui lại, tháng 1/2014, tháng 5/2014 và hiện nay dự kiến là tháng 9/2014.

Có những thách thức không đến từ bên ngoài mà doanh nghiệp Việt phải vượt qua chính mình. Đơn cử trường hợp của FPT. Ông Ngọc nói rằng, có nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực toàn cầu hóa của cán bộ FPT. Làm việc ở các thị trường phát triển, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và kỷ luật làm việc cao, từ những vấn đề lớn như ngôn ngữ (kỹ sư CNTT Việt Nam vốn yếu ngoại ngữ) đến những chuyện rất nhỏ như từ bỏ thói quen ngủ trưa…

Có những rào cản về văn hóa, doanh nghiệp cũng phải vững vàng và thích ứng. Chẳng hạn, làm việc với người Nhật thì cần kiên nhẫn, chất lượng công việc cao, không quá quan trọng về tiến độ. Họ có thể gia hạn thời gian hoàn thành và hỗ trợ đối tác Việt Nam thực hiện dự án. Tuy nhiên, văn hóa Mỹ lại khác hẳn. Đối tác này đề cao tính đúng hạn, dù dự án chưa hoàn thành một cách tối ưu.

Thách thức trên con đường toàn cầu hóa của FPT là năng lực công nghệ. Hiện nay, trên thế giới, lĩnh vực này phát triển nhanh như vũ bão. Dù đã triển khai thành công ở trong nước, nhiều giải pháp sản phẩm cung cấp sang các thị trường khu vực phải được tu bổ, nâng cấp và đào sâu.

Trên con đường toàn cầu hóa, đã có không ít doanh nghiệp thất bại vì nhiều lý do khác nhau. Sau 3 năm hoạt động, một công ty thành viên của BIDV được thành lập để đầu tư vào Lào đang làm thủ tục giải thể.

Tương tự, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) đã rót vốn thành lập liên doanh tại Lào từ 5 năm trước. Kinh nghiệm thị trường, công nghệ và năng lực tài chính của doanh nghiệp mẹ dù rất thành công tại Việt Nam cũng không giúp được liên doanh tại Lào. Năm 2012, Công ty này chỉ đạt 27,7 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 300 triệu đồng; năm 2013, doanh thu nhích lên được 31,6 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng; năm 2014, Nhựa Tiền Phong tại Lào chỉ dám đặt kế hoạch khiêm tốn 2,1 tỷ đồng lợi nhuận. Hoạt động kém hiệu quả của liên doanh tại Lào liên tục là nội dung cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo NTP tại các kỳ đại hội cổ đông và mới đây HĐQT NTP đã phải tuyên bố: hoạt động của NTP Tại Lào không hiệu quả, doanh nghiệp đang có kế hoạch thoái vốn.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục