Chiều 10/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án 18 năm tù giam đối với Lê Hồ Khôi, nguyên Tổng giám đốc CTCK Tràng An vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh trên, ba bị cáo giữ vai trò đồng phạm gồm Trịnh Văn Toàn (nguyên Phó Tổng giám đốc) lĩnh án 8 năm tù; Nguyễn Trí Dũng (nguyên Phó giám đốc phòng Môi giới – giao dịch) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Lê Quang Hưng – cán bộ phòng kế toán 10 năm tù.
Về dân sự, Tòa án cho rằng thiệt hại của các ngân hàng do chủ trương của bị cáo Lê Hồ Khôi nên bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ. Giá trị chứng khoán trong các tài khoản của 19 người, bị cầm cố không hợp pháp nên giải tỏa các tài khoản chứng khoán của những người này.
Đối với 199.000 cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hà Đô thuộc sở hữu của CTCK Tràng An đã thế chấp cho Habubank (nay đã sáp nhập vào SHB) để đảm bảo cho khoản vay ủy thác đầu tư không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án hình sự này, nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác. Nhưng vì tài sản này bị cơ quan điều tra phong tỏa nên gỡ phong tỏa tài sản bảo đảm này.
Theo cáo trạng, năm 2010, do thiếu vốn, Lê Hồ Khôi đã bàn bạc với Trịnh Văn Toàn và các nhân viên Nguyễn Trí Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Lan (nguyên Trưởng phòng kế toán), Lê Quang Hưng lập khống hồ sơ của 13 khách hàng để vay tiền dưới hình thức ủy thác đầu tư.
Tháng 10/2010, CTCK Tràng An ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng Habubank. CTCK Tràng An giới thiệu khách hàng có nhu cầu ủy thác vốn đầu tư của Habubank theo hình thức cầm cố chứng khoán niêm yết.
Nhận chỉ đạo của Lê Hồ Khôi, Nguyễn Thị Ngọc Lan và Hưng tìm kiếm khách hàng, giả chữ ký khách hàng để hợp thức hồ sơ. Lan tự tạo khống mã và số lượng chứng khoán cho phù hợp với khoản vay. Khi đã hoàn tất hồ sơ, Lan chuyển cho Trịnh Văn Toàn ký xác nhận vào hợp đồng cầm cố rồi chuyển sang ngân hàng vay tiền. Habubank đã duyệt, giải ngân số tiền 56 tỷ đồng.
Do thị trường chứng khoán giảm mạnh, toàn bộ giá trị chứng khoán trên không đủ đảm bảo khoản tiền nhận ủy thác. Ngân hàng yêu cầu CTCK Tràng An thông báo với khách hàng trả lại một phần tiền hoặc cầm cố thêm chứng khoán. Vì không có tiền trả, các bị cáo tiếp tục giả chữ ký của 19 khách hàng để thế chấp bổ sung.
Năm 2012, CTCK Tràng An đã thanh toán cho Habubank số tiền 45,5 tỷ đồng và trả thêm 1,9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Hiện nay, CTCK Tràng An còn nợ số tiền 19,8 tỷ đồng.
Cùng cách thức trên, năm 2011, các bị cáo lập khống 9 hồ sơ của khách hàng để vay tiền của BIDV nhằm chiếm đoạt số tiền 47,6 tỷ đồng. Hiện CTCK Tràng An đã khắc phục được số tiền 17,3 tỷ đồng.
Tổng số tiền các bị cáo còn chiếm đoạt của 2 ngân hàng là 47,5 tỷ đồng.
Năm 2018, bị can Nguyễn Thị Ngọc Lan (nguyên Trưởng phòng kế toán CTCK Tràng An) đã chết vì bệnh lý nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can.
Quá trình xét xử, bị cáo Lê Hồ Khôi cho rằng bản thân không tư lợi tiền ngân hàng. Trong trại giam, bị cáo đã xác định được sai phạm và rất ăn năn.
Theo Tòa án, về việc CTCK Tràng An do Lê Hồ Khôi làm Tổng giám đốc còn nợ CTCP Dịch vụ Đường Cao tốc Việt Nam, bán 450.000 cổ phần FORTIKA – Trung Yên, chuyển nhượng cổ phần FOTIKA – Trung Yên thuộc sở hữu của CTCP Tràng An cho bà Nguyễn Thị Tuệ là giao dịch dân sự, không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Lê Hồ Khôi trong vụ án do vậy không giải quyết trong vụ án hình sự này.