Facebook, Instagram và WhatsApp có thể cần phải thay đổi cách thu thập dữ liệu người dùng tại châu Âu, sau khi Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) ngày 4/7 đã ra phán quyết bất lợi cho Công ty mẹ của Facebook là Meta trong vụ kiện về vấn đề dữ liệu tại Đức.
Vụ kiện này tập trung vào một khiếu nại của Meta sau khi cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức năm 2019 đã yêu cầu “gã khổng lồ” mạng xã hội này dừng thu thập dữ liệu của người dùng mà không có sự đồng ý của họ, cho rằng đây là hành vi lạm dụng quyền lực thị trường.
Một trong những vấn đề chủ chốt trong vụ kiện này là khả năng liên kết dữ liệu trên các nền tảng với nhau của Meta, từ đó cho phép công ty này hướng các quảng cáo đến sát đối tượng người dùng mục tiêu.
Cơ quan quản lý của Đức đã cấm Meta liên kết dữ liệu cá nhân thu thập được trên Facebook với những dữ liệu được thu thập từ Instagram hay WhatsApp, cho rằng điều này cấu thành hành vi lạm dụng vị thế thị trường nổi trội của Meta tại Đức.
Meta, Công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, đã khiếu nại yêu cầu này, khiến tòa án ở Đức phải lấy ý kiến từ CJEU. Vấn đề gây tranh cãi là liệu cơ quan chống độc quyền của Đức có vượt quá thẩm quyền khi sử dụng quyền chống độc quyền của mình để giải quyết những lo ngại về bảo vệ dữ liệu, vốn thuộc thẩm quyền của các cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia.
Về vấn đề các cuộc điều tra chống độc quyền, các thẩm phán của CJEU cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước thành viên cũng có thể cần phải xem xét liệu hành vi của một công ty có tuân thủ các quy định khác nữa, chứ không chỉ những quy định liên quan đến luật cạnh tranh.
Vì thế, CJEU ra phán quyết cơ quan chống độc quyền của Đức có quyền thực hiện các cuộc điều tra theo quy định bảo vệ dữ liệu GDPR của Liên minh châu Âu (EU), và Meta phải xin phép khi thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức đã hoan nghênh phán quyết này, trong khi Meta cho biết đang đánh giá phán quyết của CJEU và sẽ phản hồi sau. Phán quyết này có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền tảng lớn khác như Google, vốn có mô hình kinh doanh quảng cáo tương tự.