Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, Dự án SEHC, vốn đầu tư 2 tỷ USD, đang bắt đầu vận hành thử nghiệm để chuẩn bị cho việc chính thức đi vào sản xuất thương mại vào giữa năm nay tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP).
Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 19/5 năm ngoái và như vậy, đã “tuân thủ” đúng truyền thống của các dự án Samsung tại Việt Nam, đó là đi vào hoạt động chỉ sau 1 năm xây dựng.
Cũng trong 1 năm này, SEHC đã “kịp” nâng vốn đầu tư từ 1,4 tỷ USD ban đầu lên hơn 2 tỷ USD vào những ngày cuối cùng của năm 2015, chuẩn bị cho bước phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam.
Nguồn tin chính thức này cũng cho biết, không chỉ sản xuất TV, mà ngay trong năm 2016 và trong nửa đầu năm 2017, SEHC sẽ lần lượt đi vào sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng khác là máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và máy lạnh. Trước đây, Nhà máy Samsung Vina ở Thủ Đức (TP.HCM) chỉ chuyên sản xuất TV, màn hình máy tính, chưa sản xuất thiết bị điện tử gia dụng và cũng chưa sản xuất các dòng TV thế hệ mới, cao cấp như SUHD màn hình cong…
Như vậy, ngay sau khi SEHC đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của Samsung đối với các thiết bị di động nữa, mà sẽ trở thành một cứ điểm cho sản xuất TV và các thiết bị thiết bị điện tử gia dụng khác của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này.
“SEHC khi hoàn thiện sẽ trở thành một trong 4 nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu”, ông Lee Sangsu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE cho biết.
Và vì thế, cũng giống như câu chuyện của Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh và Thái Nguyên (SEV và SEVT), cung ứng tới trên 33% tổng sản lượng thiết bị di động mà Samsung bán ra trên toàn cầu, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 32,8 tỷ USD trong năm 2015, SEHC cũng sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu các sản phẩm TV và thiết bị điện tử gia dụng của Samsung ra thị trường thế giới.
Theo kế hoạch, các mặt hàng TV của SEHC sẽ được xuất khẩu đi 30 quốc gia, còn các mặt hàng điện tử gia dụng sẽ được đưa tới 40 quốc gia, tiếp tục viết tên Việt Nam trên “bản đồ” ngành điện tử gia dụng toàn cầu. Trước đây, sản phẩm của nhà máy Samsung Vina chủ yếu được tiêu thụ nội địa.
Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy, từ cuối năm ngoái, Samsung đã phối hợp với SHTP tìm kiếm các nhà cung ứng trong và ngoài nước. Trên 80 doanh nghiệpđã tìm đến với Samsung, trong đó phân nửa số này là các dự án đầu tư mới.
Các mặt hàng TV của SEHC sẽ được xuất khẩu đi 30 quốc gia, còn các mặt hàng điện tử gia dụng sẽ được đưa tới 40 quốc gia, tiếp tục viết tên Việt Nam trên “bản đồ” ngành điện tử gia dụng toàn cầu.
Thông tin từ ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đã có khoảng 300 triệu USD vốn đầu tư được các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án sản xuất linh phụ kiện cho SEHC. Trong số này, có các dự án đáng chú ý, như Dự án Aureumaex Precision Plastics Việt Nam của Công ty United More SDN. BHD (Malaysia), vốn đầu tư 21 triệu USD; Dự án Samjin, vốn đầu tư 15 triệu USD, Dự án Sacyoung, 23 triệu USD…
Bên cạnh đó, một động thái quan trọng khác, Samsung hiện cũng đang thực hiện hỗ trợ 3 doanh nghiệp Việt Nam tại Long An (MIDA Molding) và TP.HCM (Phước Thanh, Ngân Hà) trong cải tiến nhà xưởng, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất… để có thể trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Con số trên sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay, bởi Samsung vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, tương tự công việc mà họ đang làm tại hai dự án SEV và SEVT.
Với những động thái này, dư luận đang tiếp tục chờ đợi những đóng góp to lớn của SEHC cho kinh tế - xã hội Việt Nam, sau khi dự án này đi vào hoạt động.