Tổ chức hiệu quả, thống nhất không gian phát triển trên quy mô toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét quyết định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức hiệu quả, thống nhất không gian phát triển

Trình bày tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung Quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình theo quy định, đã huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước... Đã triển khai xây dựng 41 hợp phần quy hoạch; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng báo cáo.

Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch, Bộ trưởng nêu rõ 5 quan điểm phát triển và 5 quan điểm tổ chức không gian phát triển.

Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm.

Tờ trình cũng nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Một, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Bốn, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Xây dựng các trung tài chính. mang tầm khu vực và thế giới

Về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Bộ trưởng nêu tóm tắt nội dung đối với các ngành sản xuất, kinh doanh, các ngành hạ tầng kỹ thuật và định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ.

Với các ngành sản xuất kinh doanh, sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới.

Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực.

Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Về dịch vụ, Quy hoạch nêu định hướng xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics quy mô, hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Phát triển các trung tâm du lịch có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến. Tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tăng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến tại các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc.

Đối với khu vực ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững.

Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật, Quy hoạch nêu định hướng tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.

Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, nếu đủ điều kiện, Quy hoạch sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, dự kiến khai mạc ngày 5/1/2023.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục