Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội họp phiên đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp nhằm góp ý cho dự thảo Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Ngày 20/3, Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội họp phiên đầu tiên, với mục tiêu góp ý cho dự thảo Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 (gọi tắt là Báo cáo kinh tế - xã hội), trình Tiểu ban thông qua để trình Đại hội Đảng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội chủ trì phiên họp đầu tiên. (Ảnh: Minh Trang)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội chủ trì phiên họp đầu tiên. (Ảnh: Minh Trang)

Khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá, nhận định thật đúng, thật sát thực trạng phát triển, dự báo chính xác tình hình và đề xuất được các giải pháp đột phá để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 trong bối cảnh giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trình bày Dự thảo Đề cương Báo cáo, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo được xin ý kiến gồm 3 phần: đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; tổ chức thực hiện.

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Dự thảo Đề cương Báo cáo. (Ảnh: Minh Trang)

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Dự thảo Đề cương Báo cáo. (Ảnh: Minh Trang)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định 3 đột phá chiến lược gồm: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Theo đó, phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Do vậy, việc xây dựng dự thảo đề cương đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược này cần bám sát các đột phá đã được xác định; các nội dung đánh giá cần phải có dẫn chứng, số liệu, kết quả cụ thể.

Cùng với đó, bám sát tình hình, bối cảnh thực tiễn của quốc tế và trong nước; các xu hướng mới; tập trung phân tích, đánh giá kết quả về tình hình kinh tế vĩ mô; hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; giáo dục và đào tạo; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển văn hóa, xã hội; quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Đối với dự thảo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, bên cạnh chỉ ra các kết quả nổi bật, cần tập trung đánh giá được các tồn tại, hạn chế; đưa ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn tới thông qua các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội, môi trường. Đặc biệt, bên cạnh các lĩnh vực đã được xác định cần nghiên cứu các ngành, lĩnh vực theo xu thế như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; chuyển đổi số; công nghệ cao.

Các ý kiến thảo luận của các đồng chí Thành viên Tổ Biên tập tại phiên họp đánh giá dự thảo Đề cương Báo cáo kinh tế - xã hội về cơ bản đã bao quát khá toàn diện, đầy đủ các vấn đề. Các đại biểu đã góp ý bổ sung thêm các nhận định, đánh giá tình hình và đề xuất phương hướng, giải pháp chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực cũng như đối với các vấn đề tổng thể chung của đất nước, thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra.

Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập đánh giá, các ý kiến tại phiên họp rất phong phú, sâu sắc, có giá trị để Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện.

Bộ trưởng giao bộ phận Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Tổ Biên tập để hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo kinh tế - xã hội và chuẩn bị trình Tiểu ban kinh tế - xã hội, trình Bộ Chính trị.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Minh Trang)

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Minh Trang)

Bộ trưởng yêu cầu bộ phận Thường trực Tổ Biên tập phải bám sát, rà soát các chiến lược, các nghị quyết mới của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, các vùng, các địa phương, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh giá xu hướng hiện nay, xác định đâu là thách thức, đâu là cớ hội. Bộ trưởng cũng lưu ý, việc đánh giá phải khách quan, chính xác, “không tô hông, không bôi đen”.

Theo kế hoạch, dự thảo Đề cương sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương tổ chức vào tháng 5/2024. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề cương, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để xây dựng dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội, trình Tiểu ban kinh tế - xã hội.

Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội được thành lập theo Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban. Tổ Biên tập có nhiệm vụ giúp việc cho Tiểu ban kinh tế - xã hội, một trong năm Tiểu ban được thành lập nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ Biên tập là tham mưu Tiểu ban kinh tế - xã hội xây dựng Báo cáo kinh tế - xã hội, trình Tiểu ban thông qua để trình Đại hội Đảng.

Tổ Biên tập gồm 63 thành viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo UBND của 09 địa phương trên các vùng và các đồng chí là lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Viện của các cơ quan trung ương. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phân công làm Tổ trưởng Tổ Biên tập.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục