Chỉ có 2 doanh nghiệp là TNG và Samsug SDI được trao quyết định hôm đó. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với doanh nghiệp Việt, bởi sau 6 năm triển khai chương trình, phải vượt qua rất nhiều điều kiện ngặt nghèo, mới có 52 trên tổng số 500.000 doanh nghiệp trong cả nước được Tổng cục Hải quan công nhận Doanh nghiệp ưu tiên, bằng 0,01% số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong cả nước. Được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt và vượt trội hơn hẳn trong xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp nào cũng biết điều đó, nhưng đến nay, số doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước được công nhận Doanh nghiệp ưu tiên mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong 9 doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Ninh, riêng TNG là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được công nhận tại khu vực hải quan này. Đây cũng là doanh nghiệp dệt may thứ 3 tại Việt Nam đủ điều kiện công nhận là Doanh nghiệp ưu tiên. Với TNG, kết quả này sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi trong thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trước khách hàng, bạn bè, đối tác. Song đó mới chỉ là một giấc mơ được TNG hiện thực, trên hành trình của một doanh nghiệp dệt may thuộc Top đầu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty và các cộng sự còn ấp ủ nhiều dự án lớn lao khác.
Thiết lập hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại
TNG hiện có 11 nhà máy may, 2 nhà máy phụ trợ với hơn 10.000 công nhân. Hiện các nhà máy đã hoạt động gần đầy công suất. Mặc dù điều hành một doanh nghiệp quy mô lớn, song Chủ tịch Nguyễn Văn Thời vẫn có thể sắp xếp thời gian để rảo bước trên sân golf hàng tuần. Để có thể làm được điều đó, ông và TNG đã sớm thiết lập và quyết liệt áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Thời trang công sở, một trong những sản phẩm chủ lực của TNG
TNG đã cải cách, tái cấu trúc bộ máy hoạt động, trước hết là những thay đổi từ chính bản thân bộ máy lãnh đạo cao nhất của Công ty, đặc biệt là những định hướng chiến lược lâu dài của Chủ tịch HĐQT. Tiếp đó là phân quyền và giao quyền, thay đổi trong cách dùng người. Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị thể hiện thông qua công cụ phân tích ở báo cáo dọc, ngang của Hệ thống quản trị nguồn lực, từ cấp quản lý điều hành đến người lao động đều biết và hiểu được rõ khoản mục, chi phí nào đang bị lãng phí, từ đó đưa ra cách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh của chi nhánh bằng cách tăng doanh số hoặc giảm chi phí khả biến.
TNG cũng đưa ra các chỉ tiêu định lượng, gắn trách nhiệm công việc với tiền lương thể hiện qua các chỉ số K. Các cán bộ quản lý phụ trách các hệ số K khác nhau, tùy theo kết quả sẽ có thu nhập khác nhau để tạo động lực cho cán bộ, nhân viên. Cán bộ được giao quyền, song phải thực hiện rất cao về trách nhiệm giải trình và Ban lãnh đạo có công cụ để kiểm soát trách nhiệm thông qua hoạt động tiểu ban Kiểm soát nội bộ trực thuộc HĐQT Công ty.
Kết quả của những thay đổi trên đã được thể hiện ở nhiều khía cạnh, không chỉ là con số lợi nhuận hàng năm và tỷ lệ cổ tức đảm bảo trung bình 20%/năm, TNG đã liên tục nằm trong Top 10 doanh nghiệp minh bạch nhất Sở GDCK Hà Nội (HNX). Ít có doanh nghiệp nào công bố thông tin chi tiết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh như TNG, từ kết quả kinh doanh hàng tháng, đến kế hoạch đầu tư tới năm 2020, bảng kế hoạch đầu tư, lợi nhuận, cổ tức giai đoạn 2015-2020…
Luôn coi trọng phát triển bền vững
Tuy là “tân binh” trong những doanh nghiệp đạt giải Báo cáo Thường niên tốt nhất 2016, song TNG đã lọt vào Top 10 một cách xuất sắc, đồng thời cũng lọt vào Top 10 Doanh nghiệp phát triển bền vững trên 2 Sở.
“Không bột khó gột nên hồ”, đó chính là kết quả tự thân của những chuyển biến thực tế tại doanh nghiệp. Những khách hàng lớn như Wal-mart, Columbia, JC Penny, Kolh’s, Bắc Mỹ... trong những chuyến thực địa tại doanh nghiệp, không đơn thuần nhìn vào sổ sách thông thường, họ xuống xưởng, trò chuyện với công nhân, vào bếp, nhìn bữa ăn hàng ngày và rảo quanh nơi làm việc của người lao động.
Hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000:2001 là minh chứng cho thấy TNG rất coi trọng phát triển bền vững. Đáng quý hơn, dù phải cạnh tranh với những “ông lớn” như Tập đoàn Samsung trong thu hút nhân công, nhưng TNG vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tuyển dụng được nhiều công nhân. Trong đó, có không ít lao động đến với TNG và gắn bó lâu dài, dù trước đó đã đầu quân cho doanh nghiệp nước ngoài.
Giấc mơ thời trang Việt
Với tâm thế là một doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh vươn ra thế giới, đón đầu các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, TNG đã và đang chuẩn bị cho mình các nhà máy phụ trợ hiện đại để chủ động đơn hàng, cạnh tranh về giá, tiến độ sản xuất, chuẩn bị tiến bước vững chắc, tuy nhiên, TNG còn nhiều kế hoạch táo bạo hơn đang ở phía trước.
“TNG trong 10 năm tới sẽ bán 100% sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình là TNG, trước hết là bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam, tiếp đến là thị trường ASEAN và châu Á, sau đó là thị trường EU và Mỹ”, ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ giấc mơ mà ông và các cộng sự đang dày công thực hiện.
Tuy hiện nay gia công cho các tập đoàn nước ngoài vẫn là mũi nhọn chủ lực của TNG, nhưng trong chiến lược 5 năm tới của doanh nghiệp, tỷ trọng hàng tự thiết kế (ODM) sẽ tăng lên dần và mục tiêu đạt 20% vào năm 2020. Là doanh nghiệp Việt đầu tiên xây dựng Trung tâm Thiết kế thời trang và chính thức đưa Trung tâm vào hoạt động từ tháng 4/2016, TNG đang từng bước tạo ra những sản phẩm “Made in TNG”, phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu. Tại Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng…, những cửa hàng treo biển TNG đang dần xuất hiện, đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Giấc mơ làm ra những sản phẩm thời trang của người Việt, thay vì chỉ gia công đơn thuần, dần được TNG hiện thực hoá.
Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2015-2020 của TNG
Kế hoạch đầu tư của TNG thời gian tới nằm trong chiến lược đón đầu cơ hội khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, TNG sẽ đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hoá, trước mắt, đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất bông, thay vì chỉ có một dây chuyền như hiện nay.
Ngoài xuất khẩu, TNG cũng không giấu tham vọng “phủ sóng” tại thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Thời cho biết, trong các năm tới, mỗi năm TNG sẽ mở thêm 10 cửa hàng tại 10 tỉnh, thành phố khác nhau (hiện Công ty có 40 cửa hàng theo hình thức này). Mục tiêu của TNG tại thị trường nội địa là mở rộng hệ thống bán lẻ tại 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước, với doanh thu bán lẻ tăng bình quân 50%/năm.
Để thực hiện hoá các mục tiêu trên, TNG chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và đầu tư rõ ràng. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến từ quý IV/2014 đến hết năm 2020 sẽ lên tới hơn 1.460 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015 là thời điểm TNG “căng sức” đầu tư, với số vốn dự kiến lớn nhất, khoảng 330 tỷ đồng. Năm 2016 dự kiến đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. Trong 3 năm tiếp theo, vốn đầu tư mỗi năm khoảng 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019-2020, TNG sẽ giảm dần việc đầu tư để tập trung vào chiều sâu, nghiên cứu tăng năng suất và các biện pháp khác, nên số vốn đầu tư dự kiến giảm xuống còn 150 tỷ đồng.