TKV trên con đường tái cơ cấu gắn với cổ phần hóa

(ĐTCK) Sau hơn 2 năm tích cực triển khai thực hiện đổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa các đơn vị thành viên theo Đề án tái cơ cấu ban hành tại Quyết định 314/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
6 tháng đầu năm 2015, TKV đã thực hiện cổ phần hóa 3 tổng công ty: Khoáng sản, Điện lực và Công nghiệp Mỏ Việt Bắc 6 tháng đầu năm 2015, TKV đã thực hiện cổ phần hóa 3 tổng công ty: Khoáng sản, Điện lực và Công nghiệp Mỏ Việt Bắc

Đến nay, TKV đã cơ bản thực hiện đúng tiến độ tái cơ cấu các đơn vị thành viên, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức và tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn.

Cổ phần hóa đúng tiến độ

Tính đến hết quý II/2015, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên, hiện đang triển khai cổ phần hóa 5 đơn vị chuyển tiếp từ năm 2014, trong đó trọng tâm là hoàn thành cổ phần hóa 3 tổng công ty, đồng thời thực hiện cổ phần hóa thêm 3 đơn vị trong kế hoạch năm 2015. Như vậy, với việc tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa 8 đơn vị trong năm nay, TKV cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa tổng cộng 11 đơn vị trong giai đoạn 2012 - 2015 theo Đề án tái cơ cấu điều chỉnh đã được được phê duyệt. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa các đơn vị nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp của TKV tính đến cuối năm 2014 là 301,346 tỷ đồng.

Cụ thể, về hoạt động cổ phần hóa các đơn vị thuộc Tập đoàn, trong 6 tháng đầu năm 2015, việc thực hiện cổ phần hóa và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của 3 tổng công ty thuộc TKV bao gồm Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc đã được triển khai đúng tiến độ, tuy nhiên kết quả chào bán cổ phần chưa như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, Tập đoàn đã báo cáo Bộ Công thương điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của 3 tổng công ty nêu trên theo kết quả chào bán cổ phần để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần theo đúng tiến độ. Riêng đối với Tổng công ty Điện lực, TKV đề nghị Bộ Công thương cho phép giảm vốn điều lệ từ 6.800 tỷ đồng xuống mức phù hợp với nguồn vốn chủ sở hữu, đồng thời với việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ. Ước tính, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Điện lực sau khi chuyển sang công ty cổ phần là 5.606,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cơ khí đóng tàu, hiện đang triển khai các thủ tục để IPO; phê duyệt phương án cổ phần hóa và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Xây lắp môi trường Nhân Cơ để chuẩn bị IPO trong tháng 7/2015 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong quý III/2015.

Đối với 3 đơn vị bổ sung triển khai cổ phần hóa trong năm 2015 gồm: Công ty TNHH MTV Địa chất Việt Bắc, Công ty TNHH MTV Địa chất Mỏ, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển nhà và Hạ tầng, hiện Tập đoàn đang chỉ đạo đơn vị tiến hành các bước định giá doanh nghiệp theo quy định. Theo kế hoạch, các đơn vị này sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào quý IV năm nay.

Với trường hợp CTCP Vật tư, Tập đoàn đã phê duyệt phương án tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại Công ty; theo lộ trình, trong năm 2015 tiếp tục bán để giảm phần vốn nhà nước xuống mức 51% vốn điều lệ như phương án cổ phần hóa ban đầu được phê duyệt.

“Nếu có nhà đầu tư lớn mua theo lô thì TKV sẽ xem xét bán đến mức tối đa vì ngành nghề hoạt động của công ty này (CTCP Vật tư) không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối. Sau khi Bộ Công thương phê duyệt chủ trương, TKV sẽ triển khai thực hiện ngay trong quý III/2015”, ông Biên chia sẻ. 

Thoái vốn sắp cán đích

Theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, nhìn chung, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của TKV tại các công ty liên kết đã được Tập đoàn tích cực, chủ động triển khai thực hiện. TKV đã hoàn thành thoái vốn tại hầu hết các đơn vị, trong đó thu hồi toàn bộ vốn đầu tư tại lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán theo chỉ đạo của Chính phủ. Tổng giá trị thu hồi đạt 1.791,5 tỷ đồng so với số vốn góp 1.504,6 tỷ đồng, bảo toàn vốn và có thặng dư. Hiện nay, còn 2 đơn vị TKV phải thoái vốn với tổng giá trị góp vốn 91 tỷ đồng gồm: CTCP Đầu tư Phát triển khu kinh tế Hải Hà (48 tỷ đồng), Quỹ đầu tư BIDV-Partner (43 tỷ đồng). Đối với Quỹ đầu tư BIDV-Partner, đến nay TKV đã thu hồi được 22,8 tỷ đồng, số còn lại sẽ thu hồi trong năm 2015 (theo hợp đồng góp vốn thì năm 2015, Quỹ này sẽ được đóng và vốn góp sẽ trả lại cho các cổ đông).

Về thoái vốn trong ngành, TKV đã thực hiện xong việc bán đấu giá cổ phần tại CTCP Than Miền Nam, theo đó giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 77,18% xuống còn 34%; giá đấu giá thành công 28.473 đồng/cổ phần, số tiền thu được 25,477 tỷ đồng. Tại CTCP Than Miền Trung, TKV giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 70,15% xuống còn 27,25%; giá đấu thành công 33.100 đồng/cổ phần, số tiền thu được 37,883 tỷ đồng. Đối với các đơn vị còn lại, TKV đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án chuyển nhượng, hiện đang làm thủ tục để tổ chức bán đấu giá cổ phần trong thời gian tới.

 “Trong giai đoạn vừa qua, do tác động của suy thoái kinh tế nên việc thoái vốn gặp khó khăn, nhưng TKV đã đạt được kết quả tích cực, việc thu hồi vốn đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước và có thặng dư. Việc thoái vốn này đã đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cũng như quy định về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên trên TTCK của DNNN”, ông Chuẩn nói. 

Quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình tái cơ cấu nói chung cũng như cổ phần hóa và sắp xếp lại các đơn vị nói riêng, ông Chuẩn cho biết, TKV phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp, hoặc liên quan đến tranh chấp, kiện tụng pháp lý, nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền của TKV phải báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu và các cấp có thẩm quyền xem xét, do đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 tổng công ty có quy mô hoạt động lớn, vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp, không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do đó tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các đơn vị này còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn ngoài ngành nghề chính phải đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước trong bối cảnh tác động của suy thoái kinh tế cũng là vấn đề lớn đặt ra đối với TKV. Để giải quyết những khó khăn, thách thức này và hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ tái cơ cấu Tập đoàn, ông Chuẩn kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/NĐ-CP theo hướng có cơ chế cho phép được cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc công ty mẹ - tập đoàn kinh tế để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN. Ngoài ra, để đảm bảo thoái vốn hiệu quả, lãnh đạo TKV đề xuất, Bộ Tài chính sớm ban hành quy định hướng dẫn việc bán cổ phần theo lô nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hút được nhà đầu tư mua cổ phần số lượng lớn và thoái vốn đến mức tối đa đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Đồng thời, có hướng dẫn xử lý thoái vốn đối với những doanh nghiệp khó khăn để thực hiện thoái vốn dứt điểm và triệt để.

Một vấn đề khác đặt ra trong quá trình triển khai tái cơ cấu là đảm bảo ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh sau khi thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, đặc biệt là ổn định nội bộ và tư tưởng của cán bộ, công nhân viên bởi ngành than là một trong những ngành sản xuất đặc thù, có rất nhiều lao động với điều kiện làm việc vất vả. Theo Ban lãnh đạo TKV, để vượt qua được những thách thức này và đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh sau tái cơ cấu, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt các công ty con, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp đồng bộ để nâng cao năng lực sản xuất, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất than; cơ cấu lại bộ máy quản lý điều hành của các đơn vị để giảm đầu mối trung gian, tiết giảm lao động gián tiếp, phụ trợ.

“Tập đoàn cũng đã nỗ lực ban hành nhiều quy chế, quy định quản trị nội bộ về khoán quản trị chi phí kinh doanh, quản lý cán bộ, về đại diện của TKV tham gia quản lý tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của TKV, về xử lý trách nhiệm trong công tác an toàn cũng như các quy định về giám sát tài chính, quản lý lao động tiền lương, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý nợ, sử dụng vốn, phân cấp/ủy quyền cho các chi nhánh trong hoạt động sản xuất than nhằm nâng cao công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất sau tái cơ cấu”, Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết.

Hiếu Minh
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục