Tisco (TIS) bị phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 225,5 tỷ đồng

(ĐTCK) Cục Thuế khu vực VII vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS – sàn UPCoM).

Vi phạm được xác định liên quan đến hoạt động khai thác tại mỏ sắt Tiến Bộ, nơi Tisco được cấp phép khai thác quặng sắt bằng phương pháp lộ thiên từ năm 2008, và chính thức thành lập chi nhánh mỏ vào năm 2013.

Trong giai đoạn 2017-2024, Chi nhánh Tisco - Mỏ sắt Tiến Bộ đã kê khai không đúng loại tài nguyên quặng nghèo nguyên khai, dẫn đến xác định sai mức phí phải nộp theo quy định tại các tờ khai quyết toán phí bảo vệ môi trường.

Cụ thể, các tờ khai theo mẫu 02/BVMT và 02/PBVMT nộp theo các thông tư của Bộ Tài chính từ năm 2017 đến nay đều không phản ánh đúng thực tế. Cơ quan thuế xác định Tisco có 1 tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.

Hình thức xử phạt, phạt 9 triệu đồng; buộc nộp đủ số tiền phí bảo vệ môi trường thiếu vào ngân sách Nhà nước là 151,58 tỷ đồng; tiền chậm nộp tiền phí bảo vệ môi trường là 73,93 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền bị phạt vi phạm hành chính, tiền phí bảo vệ môi trường truy thu và tiền chậm nộp phí bảo vệ môi trường là hơn 225,5 tỷ đồng.

Trước đó, trong báo cáo hợp nhất, kết thúc năm 2024, Tisco ghi nhận doanh thu doanh thu đạt 10.601,24 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 8,38 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 176,62 tỷ đồng, tăng 168,24 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC vẫn đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Tisco.

Đơn vị kiểm toán cho biết dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được khởi công từ năm 2007, nhưng tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay do nhiều vướng mắc. Các cơ quan có thầm quyền có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự án.

Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đã không thể đánh giá hết được ảnh hưởng của các giao dịch, sự kiện đã phát sinh liên quan đến Dự án đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo, trong đó bao gồm giá trị các khoản mục "Trả trước cho người bán", "Chi phí xây dựng cơ bản dở dang", "Phải trả người bán", "Chênh lệch tỷ giá hối đoái" có liên quan đến Dự án được Công ty trình bày tại các Thuyết minh; giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa vào giá trị Dự án (trình bày tại Thuyết minh 13) kể từ thời điểm Dự án chậm tiến độ; và các tổn thất có thể có liên quan đến dự án cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các chỉ tiêu khác có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Thêm nữa, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh tại Báo cáo kiểm toán của Tisco. Trong đó, tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả ngắn hạn của Tisco đã vượt quá tài sản ngắn hạn với giá trị là 3.455,29 tỷ đồng (ngày 31/12/2023 là 3.801,55 tỷ đồng), Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco được khởi công từ năm 2007 nhưng tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Công ty; một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án đã quá hạn thanh toán.

“Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tisco”, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhấn mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/7, cổ phiếu TIS tăng 100 đồng lên 5.500 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục