Tính trước room tín dụng 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc tăng trưởng kinh tế và lạm phát không những đạt mà còn có thể vượt kế hoạch 2022, hiện là thời điểm tính toán room tín dụng của năm 2023.
Room tín dụng 2022 hiện đã tiệm cận kế hoạch 14%. Ảnh: Dũng Minh Room tín dụng 2022 hiện đã tiệm cận kế hoạch 14%. Ảnh: Dũng Minh

Các định chế tài chính dự báo gì?

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế vĩ mô mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất, chế biến - chế tạo và dịch vụ. Theo đó, ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022.

Cũng theo ADB, lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế, giáo dục… giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022. Được biết, con số dự báo này không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á vào tháng 4/2022 của ADB.

Còn Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud nêu rõ, năm 2022, Việt Nam đã khôi phục kinh tế ấn tượng, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng lên 7% và là mức tăng trưởng tương đối ấn tượng so với các nền kinh tế phát triển trong năm nay. Mặc dù mức tăng trưởng này tương phản với triển vọng kinh tế mờ nhạt ở các nước khác, nhưng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế của châu Á.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ khu vực doanh nghiệp chế biến - chế tạo đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.

Báo cáo Vietnam At A Glance mới nhất của HSBC dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 6,9%. Theo HSBC, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng.

“Do giá dầu thế giới tăng, chúng tôi tin rằng, áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Chúng tôi dự báo, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra và áp lực tăng giá sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022”, nhóm nghiên cứu của HSBC nêu quan điểm.

Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi. Theo đó, Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III; 3,9% trong quý IV và cả năm 2022 đạt 6,7%.

“Quá trình hồi phục sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã mở cửa hoàn toàn trở lại sau hơn 2 năm ‘bế quan tỏa cảng’ vì dịch bệnh. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, ông Tim Leelahaphan chia sẻ.

Không cần thiết nới thêm room tín dụng

Ngân hàng Nhà nước muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất cao.

Được biết, 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng trong tháng 9. Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao như MBBank, HDBank, VIB, Agribank...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, 18 ngân hàng thương mại được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo ước tính của VNDIRECT, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm - tiệm cận với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (lưu ý rằng, 20% thị phần tín dụng còn lại không được phản ánh trong tính toán của VNDIRECT).

“Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi thấy cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế”, bà Hiền nói.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng hệ thống tính đến hết ngày 26/8/2022 đã tăng 9,91% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (7,45%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47% từ cuối tháng 6/2022 đến cuối tháng 8/2022 (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,44% so với đầu năm). Có thể thấy rằng, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% cho năm 2022 như kế hoạch từ đầu năm. Điều này cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra, khi Fed dù tuần qua đã thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên biên độ 3 - 3,25%/năm nhưng tiếp tục phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên 4,4%/năm vào cuối năm nay trước khi đạt mức đỉnh 4,6%/năm vào năm 2023 để chống lạm phát. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam và áp lực lạm phát. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất cao.

“Đối với các kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ…, tôi yêu cầu các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023”, Thống đốc nói.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo có thể lên đến 7,5% và lạm phát chắc chắn dưới 4%, nên việc nới hạn mức tín dụng so với mục tiêu đầu năm 14% để hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát là không cần thiết.

“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn nên giữ hạn mức tín dụng chung là 14%, nếu trong trường hợp dùng hết thì có thể điều chỉnh thêm một chút tổng hạn mức tín dụng”, TS. Ánh nói, đồng thời cho rằng, độ trễ của tín dụng, của chính sách tiền tệ cần được đặt ra trong bối cảnh mục tiêu của năm 2023. Theo đó, có thể tính toán hạn mức tín dụng cho năm sau ngay từ bây giờ, hoặc trong điều kiện cần có thể cho vay gối đầu, nếu cuối năm nhu cầu tín dụng chính đáng vẫn tăng thì hoàn toàn có thể sử dụng hạn mức tín dụng của năm 2023 cho thời gian cuối của năm 2022. Điều hành chính sách tín dụng có thể linh hoạt được, chứ không cần phải nới room tín dụng thêm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục