Tình trạng hỗn loạn của ngân hàng làm gia tăng áp lực đối với khoản nợ bất động sản ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty bất động sản thương mại ở Mỹ đang phải đối mặt với khoản nợ gần 400 tỷ USD đáo hạn trong năm nay khi các ngân hàng khu vực phá sản đe dọa nguồn tài trợ lớn nhất của ngành.
Tình trạng hỗn loạn của ngân hàng làm gia tăng áp lực đối với khoản nợ bất động sản ở Mỹ

Ngoài ra, theo một báo cáo từ MSCI Real Assets, khoản vay gần 500 tỷ USD sẽ đến hạn vào năm 2024. Báo cáo cho biết, các công ty bất động sản thương mại đã nhận được khoảng 27% tài trợ từ các ngân hàng địa phương và khu vực vào năm 2022 và đây là nguồn nợ mới phát sinh lớn nhất.

Những công ty bất động sản cần tái cấp vốn trong năm nay đang phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn nhiều và giá trị bất động sản giảm xuống. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank trong tháng này có nguy cơ khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn khi các ngân hàng địa phương đang giảm thiểu rủi ro.

Jim Costello, nhà kinh tế tại MSCI Real Assets cho biết: “Tình trạng hỗn loạn mà chúng ta chứng kiến trong tuần trước đã tác động tiêu cực đến nhóm cho vay hỗ trợ nhiều khoản thế chấp thương mại vào năm 2022 hơn bất kỳ nhóm nào khác”.

Các ngân hàng lớn của Mỹ đã bắt đầu thu hẹp mức độ chấp nhận rủi ro đối với các khoản vay bất động sản vào nửa cuối năm 2022 khi chi phí vay tăng cao và các cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo về các bất động sản như văn phòng cho thuê.

MSCI cho biết, các công ty bất động sản sở hữu văn phòng cho thuê đặc biệt đang gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí vay cao hơn và tình trạng làm việc từ xa gia tăng, với gần 40 tỷ USD trong số những bất động sản đó được coi là có khả năng gặp khó khăn cao hơn. Gần 25% trong số các khoản vay đáo hạn vào năm 2023 được liên kết với các văn phòng cho thuê.

Nhà kinh tế Jim Costello cho biết, sự chậm lại của các ngân hàng địa phương do tình trạng hỗn loạn gần đây có khả năng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ ở những thị trường có ít nguồn tài trợ thay thế.

Theo báo cáo của MSCI, khoản vay trung bình từ các ngân hàng địa phương là 7,6 triệu USD, so với 14,3 triệu USD từ các ngân hàng quốc gia và 24,4 triệu USD từ các công ty bảo hiểm.

Theo MSCI, các khoản vay ngân hàng đáo hạn trong năm nay chiếm tỷ trọng nợ đến hạn thấp hơn so với các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản thương mại, với hơn 50% các khoản vay sẽ đáo hạn vào năm 2026 và 2027.

Theo báo cáo của MSCI, với tỷ lệ cao hơn và triển vọng không chắc chắn, số lượng giao dịch bất động sản thương mại đã giảm 51% so với một năm trước đó, xuống còn 26,9 tỷ USD. Trong khi đó, giá bất động sản đã giảm 6,9% trong 12 tháng tính đến tháng 2/2023, trong khi đó mức giảm đối với căn hộ là 8,7%.

MSCI cho biết: “Các xu hướng trong hoạt động giao dịch, giá cả và khả năng cung cấp tín dụng đã đi xuống trước những thách thức gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Các sự kiện trong những tuần gần đây có thể được coi là một lực thúc đẩy những thay đổi đang diễn ra”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục