Tình trạng chi tiêu chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn còn

Sau 59 cuộc kiểm toán trong 9 tháng đầu năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 4.555 tỷ đồng, trong đó, tăng thu hơn 1.310 tỷ đồng, giảm chi gần 796 tỷ đồng, xử lý tài chính khác khoảng 2.449 tỷ đồng…
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Có đại biểu Quốc hội kể, khi đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đi thăm nước ngoài, phía bạn muốn mời bữa cơm thân mật nhưng đành chịu vì ngân sách của họ không có khoản chi này, trong khi đó, việc chi đón tiếp khách nước ngoài của Việt Nam dường như khá… thoáng?

Chi tiêu hàng năm của Quốc hội, trong đó có chi đoàn ra, đoàn vào, tiếp khách, công tác, nghiên cứu, học tập… đều nằm trong dự toán và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Các ủy ban, cơ quan, đơn vị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thực hiện theo kế hoạch, dự toán đã được phê duyệt, chứ không được chi tiêu thoải mái. Ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng NSNN khác cũng vậy.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ trong chi tiêu ngân sách, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia, Dự thảo Luật NSNN sửa đổi mới nhất, ngoài quy định, các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; còn bổ sung thêm quy định: “Không được chi ngân sách ra khỏi Kho bạc Nhà nước, nếu khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính lỏng lẻo được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng khá gay gắt. Ông có cho rằng, Luật NSNN sửa đổi sẽ khắc phục được hạn chế này?

Việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước tại các cấp, các ngành, các đơn vị sử dụng NSNN đang được làm tốt hơn, năm sau tiến bộ hơn năm trước. Mặc dù vậy, tình trạng chi tiêu chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn còn. Cụ thể, sau 59 cuộc kiểm toán trong 9 tháng đầu năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 4.555 tỷ đồng, trong đó, tăng thu hơn 1.310 tỷ đồng, giảm chi gần 796 tỷ đồng, xử lý tài chính khác khoảng 2.449 tỷ đồng…

Vì vậy, khi sửa đổi Luật NSNN lần này, chúng tôi kiến nghị quy định cụ thể là NSNN được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm, chống lãng phí. Việc quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng NSNN phải bảo đảm cân đối đủ vốn trước khi quyết định đầu tư; bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả…

Trên thực tế, NSNN vẫn tiếp tục bội chi do chi tiêu thường xuyên quá lớn, thưa ông?

Đúng là tỷ trọng chi thường xuyên quá lớn trong tổng chi và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chi thường xuyên chỉ chiếm 60% tổng chi, đến nay đã lên 68% tổng chi. Ngược lại, chi đầu tư phát triển từ NSNN hồi đầu nhiệm chiếm 25% tổng chi hiện giờ chỉ còn 18% tổng chi; số còn lại là dành để trả nợ.

Chi thường xuyên bao hàm rất nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất là chi cho an sinh xã hội, vì chúng ta là nước đang phát triển, nên nhu cầu chi cho giáo dục, y tế, chính sách người có công, xóa đói giảm nghèo… rất lớn. Do có thời kỳ quá tập trung chi cho an sinh xã hội, đặc biệt là lương tối thiểu tăng liên tục, nên ngân sách không còn nhiều nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển.

Vấn đề này sẽ được xử lý thế nào?

Vẫn phải ban hành thêm chính sách mới để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhưng chỉ ban hành chính sách mới khi đã có nguồn để xử lý. NSNN phải được cân đối theo nguyên tắc, tổng số chi không vượt quá tổng số thu, trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên. 

Nhà nước tiếp tục chi giải quyết an sinh xã hội ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách hàng năm cũng như dài hạn. Muốn vậy, ngoài việc chi tiêu minh bạch, công bằng, tiết kiệm, chống lãng phí thì phải làm sao tăng được nguồn thu mới có nguồn để chi.

Mấy năm qua, Quốc hội liên tục thông qua các luật thuế theo hướng giảm dần mức độ đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào NSNN. Giảm thuế để khuyến khích đầu tư, tăng cường sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhưng nếu giảm quá nhanh, quá mạnh, thì dẫn tới mất cân bằng trong cân đối ngân sách. Vì thế, để bảo đảm cân đối được ngân sách, giảm bội chi, giảm vay nợ, phải hết sức thận trọng khi quyết định giảm thuế suất.

Mạnh Bôn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục