Tính toán biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia khuyến nghị hỗ trợ tiền mặt để thực hiện mục tiêu kép và Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này.
Toàn cảnh buổi toạ đàm về kinh tế, xã hội. Toàn cảnh buổi toạ đàm về kinh tế, xã hội.

Để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế thì cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt.

Phát biểu trong toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế - xã hội, một hoạt động trong khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội ngày 27/9, ông Terence Jones Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP đã đưa ra quan điểm trên.

Vị chuyên gia này phân tích, Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch. Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành vào tháng 4/2020 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Tiếp đó là gói hỗ trợ mới trị giá 26 nghìn tỷ đồng vào tháng 7/2021 (Nghị quyết số 68/NQ-CP) để giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch gần nhất.

Chính phủ đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do, chuyên gia của UNDP nhận xét.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này vừa không đủ lớn, vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội.

Ông Terence Jones nêu một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021 (dựa trên chuẩn nghèo 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành).

Theo báo cáo này, 90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói tháng 7/2021 được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do và người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp. Hàng ngàn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Cho rằng Chính phủ có thể tăng đáng kể quy mô của Chương trình hỗ trợ tiền mặt mà không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất, chuyên gia UNDP nói một gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77 nghìn tỷ đồng) là tương đương mức hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực.

Gói này sẽ tạo" hiệu ứng cấp số nhân" của việc gia tăng tiêu dùng lớn, có tác động lớn hơn nhiều đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.

Và theo Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP thì để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế thì cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt.

Chuyên gia này gợi ý, cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi; hai là phụ nữ mang thai và ba là cho người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu, bốn là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hàng tháng hay một lần, áp dụng cho ba tháng cuối năm 2021. Mức hỗ trợ có thể được xác định căn cứ trên mức tối thiểu để duy trì cuộc sống theo quy định.

Cũng góp ý để Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới, ông Jacques Morisset, chuyên gia WB cho rằng, cần tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Phát biểu cuối buổi tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này, Chủ tịch Quốc hội thông tin tới các chuyên gia.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục