Tỉnh táo quản lý dòng tiền

Hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh ở thị trường trong nước, thậm chí cả thị trường nước ngoài. Nhưng nếu không tỉnh táo, đầu tư khi dòng tiền đang “tắc” thì lợi bất cập hại.
Ông Nguyễn Duy Kha, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc - Công ty Fonterra Brands (Vietnam) ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình kỳ này Ông Nguyễn Duy Kha, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc - Công ty Fonterra Brands (Vietnam) ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình kỳ này

Một thông tin được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây là việc FPT muốn bán mảng phân phối và bán lẻ. Trong khi đó, đối thủ của họ là Thế giới Di động lại úp mở tuyên bố việc muốn mua lại FPT Shop - hệ thống được Công ty Chứng khoán Maybank KimEng định giá ít nhất là 2.300 - 2.700 tỷ đồng (tương đương 103 - 121 triệu USD).

Khi Thế giới Di động tuyên bố như vậy, dư luận bắt đầu tò mò và săm soi báo cáo tài chính của công ty này, xem liệu họ có khả năng mua được FPT Shop hay không. Và kết quả khá bất ngờ: theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Thế giới Di động, năm 2015, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty này đột ngột chuyển sang âm 641 tỷ đồng, khiến nguồn vốn kinh doanh bị thiếu hụt.

Một trong các nguyên nhân có lẽ là do việc mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ quá nhanh. Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Thế giới Di động cũng ghi nhận tiền chi mua sắm thiết bị là 586 tỷ đồng. Điều này khiến Công ty phải tăng vay nợ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Cũng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản “tiền thu từ đi vay” là 8.129 tỷ đồng và “chi trả nợ gốc vay” là 6.695 tỷ đồng trong năm 2015, tương đương với việc vay thêm khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nếu dư dả vốn, có lẽ, dư nợ không cần tăng mạnh như vậy. Dẫu rằng, việc vay nợ như vậy chắc không vấn đề gì với hoạt động của Thế giới Di động, bởi hệ thống này đang tăng trưởng khá tốt, song nếu Thế giới Di động muốn mua FPT Shop thì lại khác.

Trong bối cảnh dòng tiền không tốt, buộc họ phải vay tiền ngân hàng, hoặc phải phát hành cổ phiếu/trái phiếu để huy động vốn với quy mô khá lớn. Nhưng phương án này lại làm gia tăng rủi ro tài chính và áp lực trả nợ của Thế giới Di động. Vậy liệu Thế giới Di động có sẵn sàng chấp nhận điều này?

Một câu chuyện tương tự cũng được giới truyền thông mổ xẻ gần đây. Đó là trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, một tên tuổi lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Dù kinh doanh khá tốt, song công ty này cũng có những vấn đề về dòng tiền. Được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã HAG, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ôm khoản nợ lớn gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất cuối quý IV/2015, HAG nợ trên 31.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 27.000 tỷ đồng. Nợ của công ty con HNG chiếm hơn 50% tổng nợ của HAG.

Nhìn vào số nợ này, có thể thấy, dòng tiền của HAG là thiếu tích cực. Trên thực tế, đây không phải là câu chuyện của riêng Hoàng Anh Gia Lai, hay bất cứ công ty nào, mà là vấn đề của hầu hết doanh nghiệp, khi mà dòng tiền được coi là “mạch máu sống còn của doanh nghiệp”.

“Khủng hoảng tài chính thời gian qua càng khẳng định tầm quan trọng của dòng tiền. Từ chỗ quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận, giờ đây, các doanh nghiệp bắt đầu ý thức về tình trạng khá phổ biến là kinh doanh có lời, nhưng lại mất khả năng thanh toán”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp nói và cho rằng, việc quản lý dòng tiền không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, cơ hội đầu tư kinh doanh nhiều. Nếu không tỉnh táo quản lý dòng tiền thật tốt, thì doanh nghiệp sẽ bị sa chân vào chính “vũng lầy” mà mình tạo ra.

Chuyện xảy ra ở một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp này đang có chiến lược mở rộng xuất khẩu cho các siêu thị lớn ở các nước lân cận trong khu vực. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có các báo cáo tài chính lành mạnh để tạo niềm tin và thuyết phục các siêu thị lớn. Mặc dù các báo cáo tài chính của công ty đều có lãi, nhưng trên thực tế lại không có tiền mặt. Trước tình hình đó, CEO (đồng thời là một cổ đông) cùng với các cổ đông khác đã có cuộc họp bàn để tìm giải pháp.

Các cổ đông cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi các chính sách tín dụng với các nhà cung cấp, các khách hàng để gia tăng lượng tiền mặt cho doanh nghiệp và giúp các báo cáo tài chính của doanh nghiệp lành mạnh hơn.

Trong khi đó, CEO lại cho rằng, nếu thay đổi chính sách với các nhà cung cấp, các khách hàng thì có thể khiến họ không muốn hợp tác và cung cấp hàng nữa. Do đó, CEO đề nghị sử dụng các công cụ tài chính khác như bán nợ hoặc đi vay để đảm bảo nguồn tiền mặt cho doanh nghiệp.

Cả hai bên đều nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình và đã liên tục có các cuộc tranh luận khá căng thẳng. Chọn phương án nào là cả một vấn đề, bởi nó liên quan đến số phận của doanh nghiệp.

Đây chính là tình huống được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề Tài chính thời TPP - Cân đối dòng tiền. Ông Nguyễn Duy Kha, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc (Foodservices) - Công ty Fonterra Brands (Vietnam) sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình. Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (10/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, ngày 11/4/2016.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Nhã Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục