Tình hình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại một số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai việc tiêm vắcxin cũng như siết chặt các biện pháp chống dịch.
Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 4/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN). Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 4/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai việc tiêm vắcxin cũng như siết chặt các biện pháp chống dịch.

Israel sẽ mở cửa kinh tế sau khi hoàn tất tiêm vắcxin trong tháng 3/2021

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Quốc hội Israel đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ chia sẻ thông tin cá nhân của những người chưa tiêm phòng COVID-19, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư của những người lựa chọn không tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Luật trên nhận được 30 phiếu ủng hộ, 13 nghị sỹ bỏ phiếu chống. Luật cho phép các chính quyền địa phương, Tổng thư ký Bộ Giáo dục và một số người trong Bộ An sinh xã hội được nhận thông tin liên quan đến tên, địa chỉ và điện thoại của những công dân chưa đi tiêm phòng.

Biện pháp trên sẽ có hiệu lực trong 3 tháng, hoặc cho tới khi tuyên bố hết đại dịch. Tuyên bố của quốc hội nêu rõ mục đích của biện pháp này là "để các cơ quan trên có thể khuyến khích người dân tiêm vắcxin bằng cách liên lạc trực tiếp với họ".

Tuy nhiên, quy định trên làm dấy lên lo ngại về quyền lựa chọn tiêm vắcxin. Tại quốc hội, lãnh đạo Công đảng Merav Michaeli cáo buộc Thủ tướng Netanyahu "thách thức quyền riêng tư của công dân về thông tin y tế."

Về điểm này, luật trên quy định rõ "thông tin cá nhân sẽ được xóa trong vòng 60 ngày sau khi sử dụng."

Israel, đất nước có 9 triệu dân, đã tiêm hai liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech cho 30% dân số. Tại một cuộc họp báo sau khi quốc hội phê chuẩn đạo luật trên, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi người dân đi tiêm phòng nhằm "trở lại cuộc sống bình thường."

Ông cũng bác bỏ những thông tin sai lệch về vắcxin và cho biết Israel đặt mục tiêu tiêm phòng cho 6,2 triệu người trước tháng 4 để nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Bolivia tiếp nhận vắcxin của Trung Quốc

Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết lô vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) đã đến Bolivia ngày 24/2, sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng đại trà quy mô lớn nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.

Phát biểu tại sân bay quốc tế Viru Viru, nơi ông cùng giới chức đón một chuyến bay chở vắcxin từ Bắc Kinh, Tổng thống Arce khẳng định: "Giờ đây chúng ta đã có vắcxin, có giải pháp. Chúng ta sẽ tiêm chủng cho mọi người."

Ông cho biết chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 5/3 tới, với ưu tiên là người cao tuổi và người mắc các bệnh lý nền.

Thụy Điển và Séc cân nhắc siết chặt các biện pháp chống dịch

Lo ngại bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ ba, ngày 24/2, Thụy Điển thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng ngừa nguy cơ này, đồng thời cảnh báo áp đặt các biện pháp bổ sung nếu người dân không tuân thủ nghiêm những quy định hiện nay.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển ngày 10/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển ngày 10/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Cụ thể, Thủ tướng Stefan Lofven cho biết tất cả các quán cà phê, quán bar, nhà hàng sẽ đóng cửa vào lúc 20h30 hằng ngày kể từ ngày 1/3. Số người được phép đi mua sắm trong cửa hàng và tập gym cũng bị hạn chế số lượng.

Một ngày trước đó, giới chức thủ đô Stockholm đã đề xuất người dân đeo khẩu trang liên tục khi tham gia phương tiện giao thông công cộng do việc duy trì giãn cách xã hội trong những không gian kín là rất khó thực hiện. Trước đó, việc đeo khẩu trang chỉ được đề xuất khi đi các phương tiện giao thông công cộng trong giờ cao điểm.

Thụy Điển chưa bao giờ áp đặt lệnh phong tỏa, một biện pháp đang được thực hiện tại nhiều nước châu Âu và đảm bảo giãn cách xã hội được ưu tiên hơn là việc sử dụng khẩu trang.

Trong khi đó, Chính phủ Séc thông báo sẽ xem xét khả năng siết chặt các biện pháp chống dịch COVID-19 tại cuộc họp diễn ra tối 25/2.

Theo người phát ngôn chính phủ, tại phiên họp đặc biệt một ngày trước đó, các bộ trưởng đã không nhất trí được về kế hoạch áp đặt các biện pháp chống dịch mới.

Thủ tướng Andrej Babis cho rằng việc siết chặt các biện pháp phòng dịch là cần thiết để ngăn chặn "thảm kịch" có thể xảy ra tại các bệnh viện trong vài tuần tới trong bối cảnh Séc đang là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus và tử vong cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, các bộ trưởng thảo luận việc áp đặt thêm các hạn chế đối với việc đi lại của người dân để chống virus lây lan.

Cũng nhằm phòng tránh nguy cơ các biến thể mới xâm nhập vào nước này, cùng ngày, Séc thông báo cấm công dân nước này đi tới một số nước châu Phi và Nam Mỹ, những quốc gia có nguy cơ cao lây nhiễm cao các biến thể virus của Brazil và Nam Phi. Bộ Y tế Séc cho biết lệnh cấm du lịch tới các khu vực trên sẽ có hiệu lực từ ngày 26/2 tới ngày 11/4.

Ngày 24/2, Séc đã nhận được 5.000 liều vắcxin của hãng Moderna do Israel tài trợ, ngay sau khi chính phủ nước này quyết định mở văn phòng ngoại giao mới tại Jerusalem.

Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek xác nhận rằng nước này đã nhận được tài trợ của Israel. Ông cũng đồng thời lưu ý rằng việc thành lập văn phòng đại diện ngoại giao ở Jerusalem không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và chính trị của Séc với Chính quyền Palestine. Đại sứ quán Séc sẽ vẫn ở Tel Aviv.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục