Tình hình biển Đông tạo cơ hội để xác lập một nền kinh tế mạnh

(ĐTCK) Hàng chục chuyên gia, các nhà kinh tế hàng đầu đã tham dự cuộc tọa đàm với chủ đề “Tác động của tình hình biển Đông với kinh tế Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 10/7 tại Hà Nội. 
Tình hình biển Đông tạo cơ hội để xác lập một nền kinh tế mạnh

Sau đánh giá tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam về các mặt thương mại, đầu tư, kinh tế…, các chuyên gia gặp nhau ở quan điểm: căng thẳng trên biển Đông là câu chuyện dài hạn, xuất phát từ mục tiêu Trung Quốc muốn vươn lên vị trí số 1 về kinh tế thế giới. Việt Nam, trong bối cảnh này, cần phải có một đối sách vững trên cơ sở xây dựng một nền kinh tế mạnh, độc lập và năng động.

Biến thách thức thành cơ hội

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, tác động từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến tăng trưởng kinh tế tùy thuộc vào việc Chính phủ, doanh nghiệp và người dân chủ động đến mức nào trong việc ứng phó với ý đồ và hành động của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với nước ta.

Theo ông Mại, thách thức lớn này có thể và cần được biến thành cơ hội để đánh giá toàn diện quan hệ song phương về kinh tế và từng lĩnh vực như quan hệ thương mại, đầu tư trực tiếp, viện trợ ODA, đấu thầu, dịch vụ, du lịch và lao động Trung Quốc tại Việt Nam, từ đó khắc phục khiếm khuyết về chính sách, luật pháp, quản lý nhà nước, về hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao ý thức dân tộc, độc lập tự chủ, năng lực nội sinh để đề ra định hướng mới và đổi mới cơ bản quan hệ với Trung Quốc trên căn bản lợi ích dân tộc.

Đánh giá về tác động của căng thẳng trên biển Đông đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra những con số cụ thể: quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng khá nhanh, kể từ năm 2007 (tăng trên 25%/năm), tuy nhiên, mức độ phụ thuộc của nước ta vào Trung Quốc không đáng ngại. Theo TS. Cung, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, các nền kinh tế đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng Trung Quốc không thể thao túng được thị trường thế giới. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, Trung Quốc không phải là nước duy nhất xuất khẩu phụ liệu dệt may, cụ thể là nước này chỉ chiếm 22% thị trường bông, 27% thị trường xơ nhân tạo toàn cầu, nên không quá khó để Việt Nam tìm được nguồn thay thế Trung Quốc. Trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo (53%), sản xuất phân phối điện nước (28%), nông nghiệp (1,1%), với quy mô chủ yếu từ DN nhỏ (7,1 triệu USD/dự án), bằng 50% mức trung bình của cả nước. Trong bối cảnh này, ông Cung cho rằng, ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam là không quá đáng ngại.

Về khả năng cấm vận kinh tế với Việt Nam, ông Cung cho rằng, việc cấm vận sẽ đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc trên hai khía cạnh. Thứ nhất, nếu cấm vận, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường nội lực, tìm cách đa dạng hóa thương mại và đầu tư, từ đó Việt Nam sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là điều Trung Quốc không mong muốn. Thứ hai, các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ không thể coi Trung Quốc là đối tác thương mại đáng tin cậy nữa và do vậy sẽ chuyển hướng thương mại ra khỏi Trung Quốc. Với cách nhìn này, ông Cung dự báo, Trung Quốc sẽ không cấm vận kinh tế với Việt Nam.

“Ngủ chung với voi phải giữ voi không trở mình”

Vậy Việt Nam phải hành động thế nào trong bối cảnh Trung Quốc “nhùng nhằng” như hiện nay? Ông Cung cho rằng, sự cố biến Đông là cơ hội vô cùng lớn với Việt Nam để nước ta thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc không đơn thuần chỉ là thương mại và đầu tư, mà quan trọng nhất là phải xác lập một hệ tư duy chính trị độc lập, một nền kinh tế mạnh và năng động. Trong quan hệ với Trung Quốc, cần coi đây là một bạn hàng, một đối tác thương mại trong chuỗi các quan hệ kinh tế toàn cầu của Việt Nam, không thể cắt đứt và cũng không nên phụ thuộc vào họ.

Trong việc ứng xử với Trung Quốc, TS. Nguyễn Mại cho rằng, hãy nhìn trên phạm vi quốc tế sẽ thấy có những cặp quan hệ song phương giữa một nước sức mạnh quốc gia có hạn với một nước đứng đầu thế giới, như là Canada với Mỹ. Dân số Canada 34,2 triệu người bằng 10% dân số Mỹ. GDP của Canada bằng 9% của Mỹ. Quan hệ buôn bán hai chiều khoảng 1 tỷ USD/ngày, hàng năm xảy ra vài trăm vụ kiện thương mại. Vào năm 1812, Mỹ đã có ý định sáp nhập Canada vào nước này, nhưng nhân dân Canada đấu tranh chống lại và tồn tại độc lập bên cạnh Mỹ. Người Canada thường sử dụng hình ảnh để chỉ quan hệ với Mỹ: “ Mỹ mà hắt hơi thì Canada cảm lây”. “ Ngủ chung giường với voi thì phải bảo đảm là voi đừng trở mình, lăn sang phía mình”. Canada đề ra phương châm “ không gần Mỹ quá, không xa Mỹ quá”. Cách mà người Canada ứng xử trong quan hệ với Mỹ, theo TS. Nguyễn Mại, là rất đáng suy ngẫm để vận dụng thích ứng với quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế tự chủ

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến thẳng thắn được trình bày và nhận được sự tán thưởng cao. Ví quy trình phát triển kinh tế như một đàn nhạn đang bay trên trời, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ví von: “Từ lâu Trung Quốc như con nhạn đầu đàn, còn Việt Nam như con nhạn bay sau và con đầu đàn bay đi đâu thì con sau bay theo đó”. Tuy nhiên, “thoát Trung” không có nghĩa là cắt đứt hay độc lập hoàn toàn về kinh tế, bởi trong thế giới phẳng như hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia luôn có sự giao thoa về lợi ích với các nền kinh tế khác.

Theo ông Cung, muốn nền kinh tế không phụ thuộc vào Trung Quốc, đầu tiên phải là thay đổi đột phá trong hệ tư tưởng và tư duy chính trị, họ tập quyền, ta dân chủ; coi Trung Quốc là đối tác, bạn hàng thương mại; thiết lập liên minh dưới các hình thức thích hợp với các nước ASEAN.

“Thay đổi trước hết phải là tự do dân chủ trong kinh tế, thực sự tháo bỏ các nút thắt thể chế đang cản trở cải cách đột phá chuyển mạnh sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại”, ông Cung nói và kiến nghị Nhà nước cần thay đổi vai trò và chức năng một cách căn bản, tiếp tục mở dư địa và cơ hội cho tư nhân, cho thị trường.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Daragon Capital, cho biết, từ sau sự kiện biển Đông, khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng chỉ quan tâm tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế, lạm phát, chính sách pháp luật về đầu tư, thuế, hải quan… của Việt Nam, mà không băn khoăn nhiều về những tranh chấp giữa  2 nước.

“Dường như câu chuyện tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc không ảnh hưởng gì nhiều đến quyết định đầu tư của nhiều tổ chức đầu tư”, ông Tuấn nói và cho rằng, Việt Nam cần quan tâm mạnh mẽ đến việc cải cách và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để phát triển kinh tế theo hướng tự chủ sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam.

Ba kịch bản quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Tình hình biển Đông tạo cơ hội để xác lập một nền kinh tế mạnh ảnh 1

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Có 3 kịch bản trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cần chú ý. Kịch bản xấu nhất là Trung Quốc đơn phương ngừng các quan hệ mậu dịch, du lịch, đầu tư với Việt Nam. Tuy vậy, kịch bản này khó có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân như bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực mà Trung Quốc cần phải cân nhắc; tình hình nội bộ của Trung Quốc về chính trị, kinh tế, nông dân, sắc tộc…

Kịch bản thứ 2 là giữ nguyên hiện trạng. Mặc dù tình hình Biển Đông căng thẳng, khiêu khích, gây hấn nhiều hơn nhưng vẫn duy trì quan hệ thương mại, du lịch, đầu tư như hiện nay vì lợi ích kinh tế của nước này và của các doanh nghiệp Trung Quốc không dễ gì từ bỏ.

Kịch bản thứ 3 là Trung Quốc tiếp tục hành động gây hấn trên biển (có thể cả ở biên giới trên bộ), lợi dụng mọi lúc, mọi nơi để tìm cách “phá rối” quan hệ thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư nhằm gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam, nhưng vẫn duy trì quan hệ buôn bán hai chiều, du lịch giữa công dân hai nước, đầu tư tại nước ta những dự án không tạo ra sức mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc.

Kịch bản nào sẽ xảy ra phụ thuộc vào ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc và phương thức hành động của Việt Nam. Cách mà người Canada ứng xử trong quan hệ với Mỹ là rất đáng suy ngẫm để vận dụng thích ứng với quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.

DN Việt Nam cần vượt lên trong hoàn cảnh này

Tình hình biển Đông tạo cơ hội để xác lập một nền kinh tế mạnh ảnh 2

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Sự cố trên Biển Đông gần đây không phải duy nhất, mà là sự kiện theo chuỗi, với mức độ nguy hiểm lớn dần. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần có đối sách xử lý vấn đề cả ngắn hạn và dài hạn.

Nhìn nhận quan hệ kinh tế hai nước, có thể thấy, hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam đang lệ thuộc nhất định vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lệ thuộc không chỉ là sản phẩm cụ thể như thanh long hay cao su xuất khẩu, mà nguy hiểm nhất là chúng ta phụ thuộc khá nhiều về công nghệ của Trung Quốc. Tương lai công nghiệp Việt Nam sẽ ra sao khi chúng ta không có nền công nghiệp hỗ trợ, phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc? Đó là chưa kể đến việc DN Việt Nam thường nhận chuyển giao công nghệ Trung Quốc theo phong trào, vì rẻ, dễ dùng và đây chính là nguyên nhân khiến DN Việt Nam không lớn lên được.

Theo tôi, căng thẳng trên biển Đông sẽ ảnh hưởng nhất định đến khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để DN Việt Nam tìm cách vượt lên, thoát khỏi sự phụ thuộc, đặc biệt là phụ thuộc vào công nghệ từ Trung Quốc. Tôi tin rằng, trong khó khăn, DN Việt Nam sẽ bộc lộ nhiều điểm sáng.

Đức Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục