Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam vẫn còn đó

(ĐTCK) TTCK Việt Nam trong vòng 2 tháng qua có thể mô tả ngắn gọn trong hai từ “biến động”. Đó là điều tạo ra bởi phản ứng của các NĐT trước những căng thẳng trên Biển Đông.
Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam vẫn còn đó

Ảnh hưởng chỉ là nhất thời

TS. Christian Kamm, Chủ tịch Kamm Investment Inc. - công ty tư vấn đầu tư của Mỹ có trụ sở tại TP. HCM.

Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ đã từng có những căng thẳng tương tự, các NĐT có thể nhìn vào lịch sử để biết được kết cục sắp tới sẽ như thế nào. Lịch sử cho thấy, những căng thẳng đó cuối cùng cũng được giải quyết bằng biện pháp hoà bình và không có những tác động kéo dài hay gây tổn hại đến kinh tế cũng như tình hình thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu lịch sử là một chỉ dẫn chính xác (dù không phải lúc nào cũng như thế, nhưng trong trường hợp này thì có thể), kịch bản khả dĩ nhất đó là giải pháp hoà bình, bất kể những yếu tố khác như các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai và các đối tác thương mại chung giữa hai quốc gia. Đây có lẽ là lý do khiến các NĐT nước ngoài yên tâm về xu hướng sắp tới của thị trường trước triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tìm hiểu tâm lý NĐT trong thời gian sự kiện Biển Đông diễn ra có ý nghĩa quan trọng giúp xác định hành vi của NĐT trên thị trường. Điều dễ nhận thấy trong thời gian qua đó là thị trường có hai xu hướng tâm lý khác nhau: NĐT nước ngoài vẫn lạc quan, còn NĐT trong nước trở nên bi quan.

Các NĐT đã và đang đặt ra hàng loạt câu hỏi: Điều gì làm thay đổi môi trường đầu tư của Việt Nam từ sự kiện Biển Đông? Liệu tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế có bị lung lay? Kỳ vọng của NĐT như thế nào khi không biết bao lâu sự kiện này sẽ chấm dứt hoặc liệu nó có trở nên tồi tệ hơn không…?

Những câu hỏi trên rồi cũng sẽ được trả lời thoả đáng, nhưng đối với NĐT nước ngoài, dường như họ đã có câu trả lời. Thực tế cho thấy, họ liên tiếp mua ròng cổ phiếu khi sự kiện Biển Đông đang diễn ra. Động thái tăng mua cổ phiếu này cho thấy, khối ngoại tin rằng, sự kiện này sẽ không có tác động lâu dài đến hiện trạng kinh tế ngày càng tốt hơn của Việt Nam và không có gì khiến tình hình tồi tệ thêm.

Còn NĐT trong nước có quan điểm khác, thể hiện qua việc bán tháo cổ phiếu, khiến TTCK sụt giảm. Nhiều cổ phiếu blue-chip như FPT hay VNM có tỷ lệ sở hữu nước ngoài chạm ngưỡng 49%, nên khi NĐT trong nước bán ra, nhưng NĐT nước ngoài không thể mua thêm khiến giá của chúng cũng đi xuống. NĐT trong nước sẽ cần mua vào đáng kể để các cổ phiếu đó có thể tăng trở lại. Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng phục hồi mạnh mẽ tức thời của thị trường.

Triển vọng vẫn rất tốt

Khó có thể đưa ra lý do để cho rằng, Việt Nam không xứng đáng nằm trong danh sách các điểm đến đối với NĐT quốc tế. Với tình hình kinh tế liên tục được cải thiện, tín dụng và hệ thống ngân hàng cũng ngày càng tốt hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Khó có thể tìm được những điều kiện đầu tư gần như những gì Việt Nam đang có.

Sự phục hồi của TTCK Việt Nam gần đây, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn đang diễn ra, cho thấy nhiều NĐT, phần lớn là NĐT nước ngoài nghĩ rằng, thị trường đang rẻ và đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam là hợp lý.

Có một số lý do quan trọng giải thích điều này. Sự quyết đoán kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã góp phần khiến các NĐT bớt lo lắng. Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, những vấn đề nghiêm trọng sẽ xảy đến nếu vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp giảm mạnh. Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đều có nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài cao để duy trì tổng sản phẩm trong nước và tốc độ tăng trưởng chung ở mức cao. Một lý do khác đó là các số liệu kinh tế cho thấy, nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi sự kiện Biển Đông.

Người ta thường nói: “Của rẻ chắc hẳn phải có lý do”. Câu nói này đúng trong hầu hết trường hợp. Tuy nhiên, có những trường hợp người ta đánh giá sai các sự kiện và cơ hội, hoặc phản ứng thái quá trước các tác động hay cú sốc bên trong và bên ngoài. Mặc dù TTCK Việt Nam đã có diễn biến phục hồi, nhưng cổ phiếu vẫn rẻ so với các thị trường trong khu vực. Thị trường chưa trở về đúng vị trí của nó. Các NĐT nước ngoài biết rõ điều này nên họ tiếp tục mua vào mạnh mẽ. Hiện tại, chưa thể biết NĐT trong nước và NĐT nước ngoài, ai là người ra quyết định tốt hơn. Nhưng nếu thấy khó để nhận định Việt Nam có duy trì được kinh tế ổn định trong ngắn hạn hay không, thì ít nhất cũng thấy được rằng, thị trường đang rẻ và là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu.

“Tiềm năng đầu tư dài hạn vào chứng khoán Việt Nam”

Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam vẫn còn đó ảnh 2

 Ông Thomas Hugger,CEO Asia Frontier Capital (AFC)


Tiềm năng đầu tư dài hạn vào chứng khoán Việt Nam là rất lớn. Việc quyết định lựa chọn thị trường để đầu tư phụ thuộc vào tính hấp dẫn của giá cổ phiếu và điều kiện kinh tế vĩ mô tổng thể.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện, thể hiện qua nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như lãi suất cho vay thấp, giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, các gói hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác nhau và tái cấu trúc các DNNN. Trong khi các yếu tố vĩ mô cơ bản cũng ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất khá mạnh, chỉ tính riêng Samsung đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Sắp tới, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ tạo ra cú hích đối với nền kinh tế.

Về giá cổ phiếu, VN-Index hiện đang ở vùng 570 – 580 điểm, còn cách khá xa so với mức đỉnh vào tháng 3/2007. Nhiều công ty trong lĩnh vực phi tài chính tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi cổ phiếu đang được giao dịch với giá thấp hơn nhiều so với cổ phiếu của các công ty trong cùng lĩnh vực tại các thị trường cận biên và mới nổi khác trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

“Cơ hội để mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản”

Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam vẫn còn đó ảnh 3

 Ông Don Lam,CEO VinaCapital


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 5 tháng đầu năm đạt 5,51 tỷ USD, bằng 65,7% cùng kỳ năm 2013, trong khi đó, vốn giải ngân đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Lĩnh vực chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút vốn FDI nhiều nhất với 3,92 tỷ USD, tiếp theo là xây dựng và địa ốc với tương ứng 463 triệu USD và 399 triệu USD.

Đối với dòng vốn gián tiếp, TTCK đã có những biến động trước diễn biến căng thẳng trên biển Đông, nhưng điều này sẽ không kéo dài, do bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xem việc bán tháo trên thị trường là cơ hội tốt để mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tại những mức giá hấp dẫn.

Hiện giá nhiều cổ phiếu đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn 32% so với các thị trường mới nổi khác trong ASEAN (P/E tăng từ 12,1 lần cuối năm ngoái lên 13,1 lần tại thời điểm cuối tháng 5/2014, trong khi các thị trường khu vực là 19,2 lần). VinaCapital nhận thấy có sự quan tâm nhiều hơn từ các NĐT nước ngoài đến TTCK Việt Nam, do giá cổ phiếu hấp dẫn.

Về triển vọng sắp tới, VN-Index kỳ vọng đạt 640 điểm, tăng 10% từ mức tháng 2/2014 và tăng 27% nếu tính từ cuối năm ngoái.

“Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường Việt Nam”

Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam vẫn còn đó ảnh 4

 Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VietcombankSC)

Theo chu kỳ, thời điểm giải ngân chính của các NĐT nước ngoài thường vào nửa đầu năm, nhưng tôi cho rằng, giai đoạn nửa cuối năm, khối ngoại sẽ vẫn duy trì vị thế mua ròng, dù giá trị mua ròng có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Điều này dựa trên một số cơ sở.

Tuy nhiên, để các quỹ ngoại có thể “mạnh tay” giải ngân đầu tư hơn nữa, Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Theo tôi, điều cần ưu tiên hàng đầu là những định hướng chính sách và quản lý kinh tế trong thời gian tới nên tiếp tục theo hướng đảm bảo mục tiêu duy trì sự ổn định của nền kinh tế với mức tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cần tiếp tục cải cách theo hướng đơn giản hóa, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho NĐT nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Riêng về thị trường cổ phiếu, một trong những nguyên nhân chính khiến các quỹ đầu tư lớn trên thế giới còn dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam, là do quy mô và thanh khoản của thị trường hiện vẫn khá thấp. Do đó, cần có biện pháp để nâng quy mô và thanh khoản của thị trường, như tăng lượng hàng hóa chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường; định hướng phát triển thị trường theo thông lệ, quy chuẩn quốc tế; hay việc nâng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xem xét.

TS. Christian Kamm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục