Tinh gọn bộ máy và cơ hội lớn cho Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang được bắt đầu và cuộc cách mạng này sẽ mang tới cơ hội to lớn trong phát triển đất nước. Thậm chí, đó là một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Có thể thấy rất rõ điều này trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới đây. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã liên tiếp đặt ra những câu hỏi, đồng thời cũng có luôn những câu trả lời gọn, rõ.

Rằng, “Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa?”. Câu trả lời là: “Đã đủ”. Và rằng: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa?”. Câu trả lời là: “Không thể chậm trễ hơn được nữa”. Những câu hỏi và câu trả lời đó, tự thân đã khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn về bộ máy.

Vượt lên trên cả ý nghĩa của một câu hỏi và những câu trả lời, đó còn là đòi hỏi, là mệnh lệnh mà toàn thể hệ thống chính trị phải thực hiện: phải tinh gọn bộ máy, để tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị và quan trọng hơn, để tạo nền tảng cho một kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam. Thậm chí, nhiệm vụ rất cụ thể cũng đã được giao, trong đó có việc nghiên cứu sáp nhập, kết thúc, sắp xếp lại hoạt động của một loạt bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo phương án đã đề xuất, tối thiểu có thể giảm được 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Thực tế, đã có những công cuộc tinh gọn bộ máy được thực hiện trong giai đoạn trước đây. Cũng đã có giai đoạn, số lượng các bộ, ngành lên tới trên 30, sau đó giảm xuống còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã giảm từ hơn chục cơ quan, xuống còn 8 cơ quan như hiện nay. Công cuộc này đã phát huy hiệu quả. Nhưng đòi hỏi tinh gọn bộ máy vẫn còn đó. Kể từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, việc tinh gọn bộ máy tiếp tục được đặt ra, nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và triệt để.

Lần này, quyết tâm là rất lớn. Tinh gọn không chỉ bộ máy của Chính phủ, mà còn tinh gọn cả với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, tổng thể, đồng bộ và toàn diện. Cuộc cách mạng này là cấp bách, buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.

Sẽ có những xáo trộn không nhỏ. Và đây là việc không hề dễ, thậm chí là khó khăn và phức tạp vô cùng. Bởi sẽ có những đụng chạm về quyền lực, lợi ích, mà để thực hiện, đòi hỏi sự dũng cảm, công minh, đòi hỏi cả sự hy sinh - hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

Nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u”.

Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo rằng, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Có như vậy, công cuộc tinh gọn bộ máy mới thực sự là một cuộc cách mạng, vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Thời gian không còn nhiều khi các chỉ đạo đã được đưa ra, với thời hạn cụ thể: Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ, hoàn thành trong tháng 12/2024; hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.

Những ngày đầu tiên của tháng 12/2024 đã qua đi, thời gian gấp gáp vô cùng, mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.

Chậm trễ là có lỗi với nhân dân, với sự phát triển của đất nước, của dân tộc Việt Nam!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục