Tinh gọn bộ máy: Cần cơ chế vượt trội cho người sẵn sàng nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài mục tiêu tinh giản để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ, quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11/2024.

Trình bày nội dung này, Phó trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho hay, cử tri và nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn, cử tri và Nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, cử tri và Nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, thể hiện trách nhiệm cao trước các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…ông Hoàng Anh Công nêu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Công cho biết, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội.

Cử tri cũng còn lo lắng các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Xe đạp điện đang ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, dễ điều khiển, tuy nhiên, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này khá nhanh, trong khi đó hiện nay chưa có quy định về độ tuổi đối với người điều khiển dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi người điều khiển xe đạp điện phần lớn là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giao thông; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm…

Các vấn đề trên cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm hơn để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Ban Dân nguyện.

Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng dư luận nhân dân trong báo cáo dân nguyện đồng tình chủ trương tinh gọn bộ máy nhưng cần tuyên truyền tốt hơn nữa. “Chủ trương là như vậy nhưng khi đi vào sắp xếp là liên quan đến đụng chạm ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia mà chúng ta chỉ nghĩ rằng nhân dân đồng tình ủng hộ mà thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu thì lúc đó phát sinh những việc ngoài dự tính thì rất khó cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương này”, bà Thanh lưu ý.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước trong việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bên cạnh việc xây dựng các đề án một nội dung rất quan trọng trong phần đề án của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy thì phải coi trọng cơ chế chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động.

“Ví dụ như trước đây khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế) cũng có một phần rất quan trọng là chế độ chính sách. Bây giờ quy mô nền kinh tế tế, ngân sách cũng lớn rất nhiều so với trước đây và có đủ điều kiện để chăm lo. Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ thì quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới”, bà Thanh phát biểu.

Từ phân tích trên, bà Thanh cho rằng nên bổ sung nội dung cần có cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2, 3, 4 năm có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.

“Nếu không cẩn thận, trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng tôi e người từ công sang tư là những người tốt, còn người không tốt, trung bình ở lại. Nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được những cán bộ cần giữ, không chuyển được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”, bà Thanh nói.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục