Tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 4,81%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ nay đến cuối năm nếu các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét cho phép nới tỷ lệ tăng trưởng tùy từng ngân hàng.
Tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 4,81%

Tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III năm 2020 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Phạm Chí Quang, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

Tính đến ngày 15/9/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16/9/2020, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019.

Liên quan đến hoạt động tín dụng, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng cho biết cụ thể hơn, ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến-chế tạo... tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Thực tế cho thấy, trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân...

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng đã chủ động và sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Tuấn Anh cho biết, nhờ có các giải pháp kịp thời và hiệu quả nói trên, sau 2 tháng đầu năm tín dụng tăng chậm (đến cuối tháng 01 tăng 0,01%, cuối tháng 02 tăng 0,2%), từ tháng 3 tín dụng đã có xu hướng tăng trở lại; 6 tháng đầu năm đạt 3,65% và chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tính đến ngày 16/9/2020 tăng trưởng tín dụng đã tăng lên 4,81%.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Nhận định về mức tăng trưởng tín dụng trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nói: "Đây là một diễn biến tích cực. Từ nay đến cuối năm nếu các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ xem xét cho phép nới tỷ lệ tăng trưởng tuy nhiên mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả".

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, con số 4,81% còn khá khiêm tốn so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 14% (dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8% và lạm phát dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm).

“Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung của nền kinh tế trong nước và thế giới con số tăng trưởng nói trên, có thể xem là điểm sáng trong nỗ lực của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế”, TS. Hiếu nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin về tình hình tín dụng thời gian qua.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin về tình hình tín dụng thời gian qua.

Về nội dung cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, đến 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 485.000 khách hàng với dư nợ 1.177.000 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1.614.676 tỷ đồng cho 310.000 khách hàng,

Để góp phần thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng hỗ trợ người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đối với câu chuyện nợ xấu, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hang, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng) không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và xử lý bằng hình thức bán nợ cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt..

Được biết, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục