Nửa đầu tháng 2 (1-15/2), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 19,3 tỷ USD, giảm mạnh so với nửa đầu tháng 1 do đầu tháng 2 có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn kéo dài ngày (từ 8-14/2).
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,86 tỷ USD; điện thoại và linh kiện với 1,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,18 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 9,4 tỷ USD. Trong nửa đầu tháng 2 có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,8 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD.
Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu trong hơn 1 tháng qua đang duy trì sự tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, lũy kế đến 15/2, xuất khẩu đạt 44,42 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 7,28 tỷ USD).
Còn kim ngạch nhập khẩu đạt 40,32 tỷ USD, tăng 13,32% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,74 tỷ USD).
Tính chung từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 84,74 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 4,1 tỷ USD.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, những thách thức đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: chi phí vận tải có thể tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị (bất ổn ở khu vực biển Đỏ, chiến tranh khu vực Trung Đông,...); gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,...
Trong khi đó, ở trong nước, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đương đầu với chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng do tăng giá điện, tăng lương cơ bản,...
Trên cơ sở các cơ hội và thách thức, MBS dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 12 – 15 tỷ USD.