Chiều qua (30/5), Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (người được lấy phiếu) sửa đổi đã được trình Quốc hội. Đây là bước chuẩn bị để kịp thời triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023 của Quốc hội và HĐND các cấp.
Chỉ tiến hành một lần trong cả nhiệm kỳ, song với diện được lấy phiếu là cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tác động của những lá phiếu tín nhiệm chắc chắn là không nhỏ.
Bên cạnh góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, như được nêu tại tờ trình Dự thảo, thì kết quả lấy phiếu cũng giúp cho cử tri nhìn rõ hơn bản lĩnh, trách nhiệm của những người mình đã bỏ phiếu bầu làm người đại diện.
Ở hai nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với nhiều cung bậc cảm xúc, với những chi tiết, những con số ấn tượng ở cả hai chiều xuôi - ngược.
Bối cảnh của lần lấy phiếu này khá đặc biệt, khi mà trước đây, nhiều báo cáo, ý kiến thảo luận tại nghị trường mới chỉ đề cập tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc, còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Còn hiện tại, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc đã không còn là “của riêng” địa phương nào, Trung ương và địa phương đều có cả.
Cán bộ được coi là gốc của mọi công việc, vậy đây chính là điểm nghẽn từ gốc. Do đó, sự khách quan, công tâm trong đánh giá tín nhiệm có thể không khơi thông được hoàn toàn, thì cũng góp phần làm cho điểm nghẽn bớt nghẽn, ngay từ bây giờ.
Bởi, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”, thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức, thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Thế nhưng, quy định này khiến Chính phủ băn khoăn. Vì những lần lấy tín nhiệm trước (theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13) cho thấy, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” là rất ít.
Cụ thể, ở Quốc hội không có trường hợp nào. Ở HĐND cấp tỉnh chỉ có 2/1.750 người, cấp huyện có 25/13.852 người, cấp xã có 186/84.234 người.
Trong khi đó, thực tế thì 8 năm qua (từ thời điểm lấy tín nhiệm lần đầu), có nhiều cán bộ bị kiểm điểm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi, chức trách được giao, vi phạm đạo đức, buông lỏng quản lý, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong cơ quan…
Từ thực tế này, Chính phủ đề nghị cơ quan tham mưu xây dựng Dự thảo Nghị quyết nghiên cứu về tiêu chí, cách thức, mẫu phiếu lấy tín nhiệm sao cho việc lấy phiếu tín nhiệm trở nên thực chất và hiệu quả hơn.
Thế nhưng, các mức độ đánh giá tín nhiệm ở lần sửa đổi này lại không có gì thay đổi so với các lần trước, vẫn ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Quy định này dễ cho người đánh giá, bởi ranh giới giữa các mức khá mong manh. Ngoại trừ những vị được lấy phiếu có thành tích nổi bật trong công tác dễ nhận được “tín nhiệm cao”, các vị có khuyết điểm hay vi phạm một cách rõ ràng để nhận “tín nhiệm thấp”, thì đa số sẽ được đánh giá ở mức “tín nhiệm”. Bởi vì, nếu lĩnh vực nào đó còn nhiều bất cập, nhưng cảm thấy thông tin chưa thực sự đầy đủ, căn cứ chưa thực sự vững chắc, cũng không loại trừ tình cảm cá nhân chi phối, người được trao quyền đánh giá tín nhiệm sẽ chọn mức không cao, không thấp với vô số lý do rất dễ được chấp nhận. Kiểu như để người lấy phiếu có thêm cơ hội phấn đấu.
Thế nên, để việc lấy phiếu tín nhiệm trở nên thực chất và hiệu quả hơn, như mong muốn của Chính phủ - những người có lẽ “hồi hộp” nhất khi được lấy phiếu - thì các vị đại diện cho dân ở các cấp, bên cạnh không để tình cảm cá nhân chi phối, cần sử dụng thật tốt quyền hạn của mình (đặc biệt là quyền yêu cầu cung cấp thông tin) để có cái nhìn thật sự khách quan, công tâm khi đánh giá tín nhiệm.
Chỉ như thế, các vị đại diện cho nhân dân mới tiếp tục được dân tín nhiệm.