Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Sự cố kết của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào“

Trong lịch sử Việt Nam, ngày 10 tháng 3 âm lịch đã trở thành một ngày trọng đại của cả dân tộc. Đây là ngày lễ lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những lễ hội trọng đại của dân tộc Việt Nam Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những lễ hội trọng đại của dân tộc Việt Nam

Bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cung Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những, thành tố tạo nên bàn sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bặn sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sự cố kết của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý.

Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ.

Dân tộc ta đã trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.

Với những giá trị giáo dục tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc , ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truvền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên.

Truyền thuyết Quốc tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh hạ 100 người con trong đó 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển lập ra trăm họ, là Thủy tổ của Bách Việt trong đó có Lạc Việt và Âu Việt của nước Văn Lang thời Vua Hùng, nước Âu Lạc thời VuaThục.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.

Với sự hội tụ sâu sắc nhất nghĩa đồng bào, ý thức cội nguôn của hàng triệu triệu người dân đất Việt và sự lan tỏa mạnh mẽ từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lòng tự hào về cội nguồn dân tộc

Hằng năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao Tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của quốc gia và gia đình là những hình thức kết nối sức mạnh của tổ tiên như là phương thức gặp gỡ và vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại.

Từ cộng đồng người Việt ở Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa mở rộng ra phạm vi cả nước, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.  

Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng Ngài với tư cách ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Không chỉ có vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử, một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay. Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc.

Thu Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục