Tín hiệu từ kinh tế vĩ mô: Những kỳ vọng

Với 2 mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát - ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đã có những tương tác và “bật ra” những tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh chỉ số CPI được kiềm chế là sự ổn định bước đầu của thị trường tiền tệ, vàng và tỉ giá.
Cố gắng hạ lãi suất cho vay để ổn định kinh tế Cố gắng hạ lãi suất cho vay để ổn định kinh tế

Đặc biệt hơn, lãi suất đã giảm đáng kể và còn kỳ vọng giảm nữa. Ngoài ra, nền sản xuất trong đó có XK đã tăng trưởng trở lại. Với bức tranh khá sáng sủa này, nền kinh tế đang được kỳ vọng sẽ có những bước tiến đáng kể để tiến tới thực hiện thành công 2 mục tiêu quan trọng trên.

 

Kiểm soát để duy trì ổn định

 

Có thể nói là kinh tế VN đã phải trả những cái giá không nhỏ trong thời kỳ vật lộn với khó khăn suốt từ đầu năm đến nay. Việc phải liên tục điều chỉnh chỉ số CPI từ hơn 7% và cho đến nay là mục tiêu khoảng 18% cho thấy cả sự khó khăn lẫn sự trả giá đó. Ngoài ra cũng cần nói tới việc một thời gian khá dài thị trường tiền tệ, trong đó nổi cộm là lãi suất tăng cao, giá vàng... loạn xạ, tỉ giá liên tục thay đổi và tăng cao... khiến cho hệ thống DN cũng như nền kinh tế nói chung chịu những tổn thất đáng kể.

 

Tuy nhiên, nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì điều quan trọng chính là làm sao ổn định cho được kinh tế vĩ mô, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển chung và bền vững, hơn là những biện pháp chỉ để thỏa mãn những mục tiêu ngắn hạn và tức thời. Theo nhận định chung thì cho đến nay, khó khăn đối với nền kinh tế cũng như cộng đồng DN là vẫn còn, song CPI đã cơ bản được kiềm chế thành công, kinh tế vĩ mô đã phát đi những tín hiệu về sự ổn định. Nếu như CPI những tháng đầu năm tăng mạnh, có tháng tăng tới hơn 3% thì trong 3 tháng trở lại đây, CPI đã được kiềm chế và thực sự trong vòng kiểm soát. Trong đó đáng lưu ý là liên tiếp tháng 10 và tháng 11.2011 CPI được kiểm soát ở mức thấp lần lượt là 0,36% và 0,39%.

 

Bên cạnh đó, 3 yếu tố là lãi suất, tỉ giá và giá vàng cũng đã được kiểm soát và ổn định. Cụ thể là đến nay lãi suất đã giảm đáng kể xuống còn từ 17 - 19%, thậm chí ở nhiều khoản vay còn được ưu đãi thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó tỉ giá cũng ổn định, thị trường chợ đen và tình trạng niêm yết hay mua bán bằng USD đã được kiểm soát chặt chẽ. Giá vàng cũng đã cơ bản tiệm cận với mức giá thế giới. Một lưu ý khác là việc kiểm soát các yếu tố có khả năng tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất cũng đã được thực hiện quyết liệt và chặt chẽ. Việc giá điện và giá xăng dầu không tăng là thành công đáng kể trong công tác quản lý. Tất cả những yếu tố này kích thích sự tăng trưởng trở lại của các ngành sản xuất.

 

Kỳ vọng tăng trưởng

 

Như trên đã nói, kinh tế VN đã phải trả giá không nhỏ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng đen hoành hành và gây ra những hệ lụy cũng là những tác động tiêu cực. Đặc biệt là xu hướng sản xuất công nghiệp tăng chậm lại do thiếu vốn vì chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất vay cao... cũng là yếu tố kiềm chế sự tăng trưởng.

 

Tuy nhiên, chuyên gia Võ Trí Thành cùng đông đảo chuyên gia cho rằng mục tiêu chính của VN hiện nay chưa phải là con số tăng trưởng bao nhiêu. Đồng thuận quan điểm này, WB và nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng VN cần hy sinh lợi ích ngắn hạn, trong đó có cả sự tăng trưởng để tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ đầu tư công... nhằm đạt được mục tiêu dài hạn và sự tăng trưởng ổn định, bền vững hơn.

 

Nhưng mặc dù vậy thì kinh tế VN vẫn có những tín hiệu khả quan. Điển hình là việc kiềm chế và kiểm soát nhập siêu đã giúp giảm quy mô tuyệt đối. Qua 11 tháng, VN nhập siêu 8,9 tỉ USD. Với tốc độ này, ước cả năm nhập siêu khoảng 10 tỉ USD - mức thấp nhất so với 4 năm trước đó (2007 là 14,2 tỉ USD, 2008 là 18 tỉ USD, 2009 là 12,9 tỉ USD, 2010 là 12,6 tỉ USD). Đặc biệt, XK của VN lại tăng trưởng mạnh. Tính chung 11 tháng XK đạt gần 87,2 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Ước cả năm có thể đạt 95 tỉ USD, tương ứng mức tăng 31,6% so với cùng kỳ. Nếu đạt con số này thì đây sẽ là mức kỷ lục từ trước tới nay và cũng là tốc độ tăng thuộc loại cao nhất trong nhiều năm qua. Lưu ý hơn là có tới 21 mặt hàng đạt từ 1 tỉ USD trở lên - tăng 3 mặt hàng; quy mô thị trường cũng mở rộng mà có tới 21 thị trường XK đạt từ 1 tỉ USD trở lên.

 

Bên cạnh đó cũng cần kể tới việc vốn giải ngân FDI cũng đạt 10,1 tỉ USD, tăng 1% so với cùng kỳ và khả năng cả năm sẽ vượt mức 11 tỉ USD của năm 2010. Đặc biệt cho dù số lượng DN phá sản cao, nhiều loại thuế được giảm hoặc dãn, nhưng thu ngân sách lại khả quan. Cụ thể tổng thu ngân sách tính đến 15.11 đạt 586,2 nghìn tỉ đồng, bằng 98,5% dự toán năm và có thể vượt trên 12% dự toán năm. Đây cũng là yếu tố để bội chi/GDP cả năm thấp hơn dự toán và thấp hơn năm trước. Với những tín hiệu ban đầu này, VN phấn đấu GDP năm 2011 sẽ tăng 6%. Nhưng quan trọng hơn đây sẽ là những tiền đề thuận lợi, tạo đà cho phát triển kinh tế giai đoạn tới.


Tin cùng chuyên mục